Khai thác lợi thế tự nhiên, nhiều năm gần đây, thành phố Hà Nội đã xây dựng các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách. Tuy nhiên, để định vị du lịch nông nghiệp, nông thôn là sản phẩm đặc trưng của Thủ đô, mở ra hướng phát triển bền vững, cần có thêm những chiến lược bài bản và sự nỗ lực nhiều hơn nữa của các địa phương, đơn vị...
Chưa khai thác được lợi thế
Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17-3-2021 về việc đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia “Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”. Chương trình định hướng việc khai thác và làm nổi bật những đặc trưng riêng về du lịch nông nghiệp, nông thôn trong phát triển du lịch của Thủ đô. Trên cơ sở này, UBND thành phố Hà Nội đã sớm ban hành và triển khai Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 4-3-2022 về việc phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.
Tại hội thảo khoa học đánh giá thực trạng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội vào giữa tháng 7-2023, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, với diện tích rộng, đa dạng về hệ sinh thái tự nhiên, văn hóa, đồng thời có vị trí thuận lợi kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước, thành phố Hà Nội có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn thành sản phẩm đặc trưng, mang bản sắc riêng cho Thủ đô.
Hiện thành phố đã công nhận 7 điểm du lịch ở khu vực ngoại thành, gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, sinh thái, đó là: Điểm du lịch Dương Xá, điểm du lịch Phù Đổng (huyện Gia Lâm); điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng, điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm (huyện Thường Tín); điểm du lịch Đại Áng, điểm du lịch Yên Mỹ (huyện Thanh Trì); điểm du lịch Lòng Hồ, xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây).
Thành phố cũng có 2 sản phẩm OCOP đầu tiên được đánh giá, phân hạng 4 sao thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Đó là: Điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín) và Khu sinh thái Phù Đổng Green Park (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm). Ngoài ra, thành phố đã có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm; 4 hợp tác xã nông nghiệp khai thác mô hình trang trại đồng quê…
Mặc dù đã có một số mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn mang đến trải nghiệm mới lạ cho du khách nhưng theo nhận định của Sở Du lịch Hà Nội, loại hình này còn gặp không ít hạn chế. Nhiều khu du lịch sinh thái, dịch vụ nghèo nàn, chất lượng thấp. Không ít mô hình còn mang tính tự phát, sao chép lẫn nhau, nhiều điểm du lịch chưa có sự hợp tác và kết nối của cộng đồng dân cư sinh sống.
Cần có chiến lược bài bản
Để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng, thành phố Hà Nội cần lập bản đồ quy hoạch rõ các vùng, điểm du lịch nông nghiệp, từ đó có chiến lược bài bản hơn trong việc phát triển sản phẩm, kết nối điểm đến.
Đóng góp ý kiến cho việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn Hà Nội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, du lịch nông nghiệp, nông thôn cần gắn với phát triển du lịch xanh, phát huy vẻ đẹp cảnh quan, văn hóa vùng nông thôn. Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Mỹ Dung, Viện trưởng Viện Khoa học phát triển nông thôn, du lịch nông nghiệp cần gắn với du lịch cộng đồng, đồng thời, các địa phương cần có chiến lược dài hơi, tính toán khả năng cung ứng dịch vụ cho du khách.
Dưới góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Phượng cho biết, khó khăn nhất hiện nay của xã là nguồn nhân lực khi mà giới trẻ không mặn mà với việc làm du lịch. Vì vậy, xã rất mong các cơ quan quản lý có chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, kỹ năng về dịch vụ, ứng xử văn minh du lịch.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Tài, việc phát triển du lịch nông thôn cần gắn với các làng nghề truyền thống. Các địa phương nên tăng cường hoạt động quảng bá, giữ gìn truyền thống, phát huy các di sản đang có trên địa bàn.
Sở Du lịch Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ báo cáo và đề xuất UBND thành phố Hà Nội triển khai mở rộng thêm nhiều mô hình điểm về du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương, từ đó phát triển loại hình du lịch này bài bản và chuyên nghiệp hơn. Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, tới đây, Sở sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục tổ chức lớp tập huấn du lịch cộng đồng, tổ chức đoàn khảo sát có sự tham gia của các đơn vị lữ hành để xây dựng những tuyến du lịch kết nối giữa nội thành và điểm du lịch ngoại thành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.