Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo dựng không gian đô thị văn minh, hiện đại

Khánh - Hải| 06/07/2018 06:15

(HNM) - Sau 10 năm thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội đã thực sự “thay da, đổi thịt”.


Hạ tầng ngày càng hiện đại

Hơn một thập kỷ trước, người dân Hà Nội khó có thể hình dung diện mạo đô thị của Thủ đô lại có sự thay đổi nhanh và mạnh mẽ đến như vậy. Các chuyên gia quy hoạch, xây dựng nhận xét, sự thay đổi lớn nhất của Thủ đô trong khoảng 10 năm trở lại đây chính là thay đổi về không gian kiến trúc đô thị.

Một góc Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. Ảnh : Tuấn Minh


Có thể nói, Hà Nội là một trong những thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất cả nước. Cùng với quá trình đô thị hóa, Hà Nội đã xây dựng, phát triển không gian đô thị và có thành công bước đầu. Các khu đô thị mới hiện đại, văn minh như: The Manor, Mỹ Đình, Gamuda, Ciputra... cùng với các khu đô thị mới trong Vành đai 3 như: Trung Hòa - Nhân Chính, RoyalCity, TimesCity,... đã tạo diện mạo mới cho Thủ đô sau 10 năm phát triển.

Một trong những đột phá làm thay đổi bộ mặt đô thị Thủ đô, còn phải kể đến việc khớp nối quy hoạch giao thông của Hà Nội (trước khi điều chỉnh địa giới hành chính) với quy hoạch giao thông sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, các hoạt động từ quy hoạch đến đầu tư kết cấu giao thông Thủ đô với các vùng lân cận.

Theo đó, hàng loạt trục đường chính được cải tạo, mở rộng và hoàn thiện, kết nối các khu vực phát triển của đô thị. Hạ tầng kết nối thuận lợi cũng là “tác nhân” góp phần khiến những vùng đất ven đô chuyển mình với hàng trăm dự án khu đô thị mới, khu nhà ở đã, đang được triển khai như: An Khánh, Văn Quán, Việt Hưng, Mỹ Đình,...

Sự hiện diện của các khu đô thị mới ở Hà Nội không chỉ góp phần tích cực giải quyết căn bản nhu cầu nhà ở của người dân, mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, tạo nên những không gian sống tốt hơn nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ cuộc sống ngày càng cao của người dân. Giao thông thuận lợi, dân cư hội tụ cũng biến nhiều khu vực trở thành các điểm đến thương mại - văn hóa - xã hội như: Trung tâm mua sắm Aeon Mall (Long Biên), Thiên đường Bảo Sơn (Hoài Đức),... phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân.

Ngoài phát triển mạng lưới giao thông, hạ tầng, xây dựng thành công các khu đô thị, PGS.KTS Nguyễn Trúc Anh - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho rằng, quá trình đô thị hóa còn thúc đẩy quá trình tái thiết đô thị, cải tạo chỉnh trang khu vực nội đô và mở rộng phát triển các khu vực phát triển mới của đô thị theo quy hoạch.

Với việc điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội có một diện tích đủ lớn để thực hiện tái cơ cấu không gian kinh tế - xã hội, tổ chức sắp xếp lại các phân khu chức năng phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị... theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô. Xu hướng tái thiết và phát triển đô thị tại Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.

Hà Nội cũng đặt yêu cầu phát triển đô thị cao hơn theo hướng đô thị bền vững để trở thành thành phố đáng sống với các giá trị và tiêu chí: Xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại.

Gìn giữ, phát triển cây xanh, không gian mặt nước


Hồ nước và hệ thống cây xanh trong không gian đô thị giữ vai trò quan trọng nhằm điều hòa không khí, thoát nước mưa, tạo không gian kiến trúc, cảnh quan khu vực. 10 năm sau điều chỉnh địa giới hành chính, không gian cây xanh, mặt nước không những được gìn giữ, bảo tồn, mà còn được nhân rộng, phát triển trong nỗ lực hướng tới một đô thị xanh, hiện đại.

Hiện Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng hồ ở nội đô với những hồ lớn như: Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, Trúc Bạch, Thiền Quang, Linh Đàm, Giảng Võ, Thành Công, Bảy Mẫu, Ba Mẫu, Nghĩa Tân… và nhiều con sông chảy qua. Trong quá trình phát triển, Hà Nội đã hình thành các hệ thống sông, hồ chiếm 17% diện tích nội thành. Các sông, mương và hồ kết nối với nhau thành chuỗi và tạo nên một hệ thống nhất.

Hệ thống này đều có cấu trúc, hình thái không gian gắn liền với cấu trúc đô thị, nằm đan xen trong các khu làng đô thị, khu phố cũ, các khu chung cư cũ, khu đô thị mới… tạo nên cảnh quan mặt nước trong đô thị, trở thành bộ phận quan trọng không thể thiếu trong tổng thể đô thị.

Gìn giữ và phát triển những giá trị này, thời gian qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực để phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cây xanh - mặt nước trong việc xây dựng Thủ đô thành một đô thị xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại. Điều này đã được quan tâm, đặc biệt từ năm 2016 đến nay. Có thể kể đến là việc thành phố đã khởi công nhiều dự án xây dựng công viên hồ nước lớn như Dự án Công viên văn hóa du lịch vui chơi giải trí Kim Quy (xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh), khởi công ngày 2-9-2016.

Trước đó, vào tháng 7 và tháng 5-2016, hai công viên lớn là Công viên - hồ điều hòa CV1 Khu đô thị mới Cầu Giấy và Công viên hồ điều hòa Nhân Chính... đã được khởi công. Những công viên này sẽ tạo khoảng đệm, không gian xanh trong khu vực, là nơi tham quan, nghỉ ngơi, giải trí cho người dân và được kỳ vọng là "lá phổi xanh" của Thủ đô.

Đề cập đến vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nêu rõ, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu trở thành một thành phố xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại. Đây là lý do để thành phố quyết tâm thực hiện chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh trong giai đoạn 2016-2020... Thành phố xác định một trong những mục tiêu quan trọng trong những năm tới là xây dựng Thủ đô có môi trường sống tốt nhất, người dân được sinh hoạt, giải trí với chất lượng cao…

Còn ông Vũ Kiên Trung, Chủ tịch - Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cây xanh Hà Nội cho biết, trong 2 năm 2016-2017, Hà Nội đã thực hiện trồng được gần 500.000 cây xanh, cùng các loại cây mảng hoa, cây thảm được trồng ở những tuyến đường, tuyến phố trung tâm đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của các tuyến phố Thủ đô.

Nhiều chủng loại cây mới như: Phong lá đỏ, hoa ban, bàng lá nhỏ... phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu được đưa về trồng ở Hà Nội vừa tạo cảnh quan môi trường, kiến trúc đô thị hiện đại vừa an toàn cho người dân nhất là trong mùa mưa bão. Việc thống nhất về chủng loại, mỗi khu phố khác nhau có một loài cây hay nhóm loài cây khác nhau để tạo nét đặc trưng, tạo lập hệ thống cây xanh đồng bộ, đa dạng sinh học đã, đang và sẽ tiếp tục được thực hiện với mục tiêu xây dựng Thủ đô là một thành phố xanh - sạch - đẹp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo dựng không gian đô thị văn minh, hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.