Hà Nội đang tích cực thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại.
Để hiểu hơn về vấn đề này, Hà Nội Ngày nay đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường về việc triển khai chuyển đổi số trong nông nghiệp.
- Hà Nội đã có những kết quả bước đầu trong công tác chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp như thế nào, thưa ông?
- Chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn hiện nay là yêu cầu tất yếu, một trong những giải pháp quan trọng để đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Hà Nội hiện đã hoàn thiện các cơ sở dữ liệu về đất. Gần như tất cả dữ liệu về hiện trạng đất đai đã được cập nhật trên cơ sở bản đồ số. Ngoài ra, Thành phố đã hợp tác với các cơ quan, đơn vị kinh tế số để triển khai thương mại điện tử thông qua các sàn giao dịch...
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản đã dần chuyển đổi từ nền nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp công nghệ: Hệ thống tưới tự động, hệ thống tự động điều chỉnh nhiệt độ trong nhà kính; hệ thống tự động điều tiết tiểu khí hậu chuồng nuôi, máng ăn tự động trong chăn nuôi; hệ thống quạt nước sục khí tự động, nuôi thủy sản trong nhà bạt...
Ngoài ra, Hà Nội tiếp tục duy trì "Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội" (check.hanoi.gov.vn). Đến nay, hệ thống đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 3.392 cơ sở là các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông lâm sản và thủy sản; đồng thời đã cấp 13.176 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông lâm thủy sản đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống.
Có thể nói, chương trình chuyển đổi số trong nông nghiệp giúp sản phẩm nông nghiệp Thành phố không những cải thiện về chất lượng, nâng cao giá trị mà còn tạo mối liên kết với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ trong các siêu thị, giúp chiếm lĩnh thị phần lớn ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
- Bên cạnh những kết quả đạt được, chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp của Hà Nội đang đối diện với khó khăn, thách thức nào, thưa ông?
- Chuyển đổi số là vấn đề mới, nhận thức của các cấp, các ngành và bà con nông dân đang dần hình thành. Cán bộ thực hiện công tác về chuyển đổi số chủ yếu kiêm nhiệm, không có chuyên môn sâu về công nghệ thông tin. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp cơ bản vẫn nhỏ lẻ, manh mún, các chi phí đầu tư cho nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ số lớn hơn rất nhiều so với nông nghiệp truyền thống nên phần lớn các hộ không đủ điều kiện để đầu tư. Việc ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin còn rời rạc trong từng khâu của quy trình sản xuất, hạ tầng nền tảng hỗ trợ cho chuyển đổi số còn hạn chế...
- Chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu, Hà Nội có những giải pháp nào để đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp trong thời gian tới?
- Triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30-12-2022 của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở đã phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam xây dựng kế hoạch chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 và kế hoạch hằng năm. Vì thế, các đơn vị trong ngành cần chủ động triển khai chương trình kinh tế số, từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, Sở tiếp tục tham mưu với Thành phố để có cơ chế, chính sách thúc đẩy tổ chức, cá nhân nghiên cứu, phát triển các nền tảng số, dữ liệu số, tạo ra những dịch vụ nội dung số về nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ nông dân phát huy vai trò làm chủ trong nền nông nghiệp số.
Mục tiêu chung là xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu làm nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn gắn với xây dựng "chính quyền số", phát triển "kinh tế số" và "xã hội số"; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ nông nghiệp số gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo sản phẩm an toàn với giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, nâng cao năng suất lao động và thu nhập của doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.
Theo đó, Hà Nội sẽ tập trung phát triển ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý; giám sát nguồn gốc chuỗi cung ứng sản phẩm nhanh chóng, chính xác, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm...
Nền nông nghiệp hiện đại đòi hỏi tính chuyên nghiệp, tư duy hợp tác, năng lực tiếp cận khoa học công nghệ nhưng đây lại là hạn chế của những người nông dân vốn vẫn gắn bó với phương thức sản xuất truyền thống. Do đó, để đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, Hà Nội sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ người nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Nhằm thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sinh thái, hiện đại, sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm, Thành phố Hà Nội đã ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn thành phố; hỗ trợ phát triển được ít nhất 44 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (trồng trọt: 10 doanh nghiệp; chăn nuôi: 32 doanh nghiệp; thủy sản: 2 doanh nghiệp); 1 trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 1 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Để đạt mục tiêu đó, cần quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tích hợp vào các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung của thành phố.
Song song với đó là xác định vùng sản xuất chuyên canh có lợi thế, bảo đảm quỹ đất ổn định để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp cũng như đưa ra kế hoạch hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng vùng sản xuất; tích tụ ruộng đất, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.