Thế giới

Hội nghị cấp cao Nhật Bản - ASEAN: Tầm nhìn tạo dựng kỷ nguyên mới

Thùy Dương 16/12/2023 - 06:39

Hội nghị cấp cao Nhật Bản - ASEAN kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ hợp tác diễn ra tại Tokyo từ ngày 15 đến 17-12. Sau nửa thế kỷ vun đắp quan hệ, sự kiện quan trọng này là cơ hội để các nước cùng nhau đặt ra tầm nhìn, tạo dựng kỷ nguyên mới và tăng cường hơn nữa quan hệ song phương.

asean-nhat-ban.jpg
Các nhà lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 26, tổ chức ở Indonesia, tháng 9-2023.

Năm 1973, ASEAN - Nhật Bản bắt đầu thiết lập quan hệ. Kể từ đó, các cuộc trao đổi đã trở nên sâu sắc hơn nhằm xây dựng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác ở nhiều cấp độ. Năm 1977, Thủ tướng Nhật Bản Takeo Fukuda là nhà lãnh đạo đầu tiên của xứ Mặt trời mọc có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ hai, diễn ra ở Kuala Lumpur (Malaysia). Cùng năm đó, trong chuyến thăm Philippines, Thủ tướng Takeo Fukuda đã công bố Học thuyết Fukuda lịch sử, vạch ra các nguyên tắc cơ bản trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản đối với ASEAN.

Học thuyết kêu gọi đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng quốc tế, xây dựng mối quan hệ tin cậy dựa trên sự hiểu biết “từ trái tim đến trái tim”, hợp tác như một đối tác bình đẳng. Những nguyên tắc này đến nay vẫn là biển chỉ dẫn vững chắc cho quan hệ ngoại giao của Nhật Bản với ASEAN khi hai bên đã trở thành những đối tác tin cậy của nhau.

Quan hệ ASEAN - Nhật Bản đã và đang có những bước phát triển toàn diện, năng động trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị - an ninh, kinh tế - thương mại - đầu tư, văn hóa - xã hội và hợp tác phát triển... Nhật Bản luôn ủng hộ sự đoàn kết, coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, tôn trọng và đóng góp trách nhiệm vào các cơ chế như: ASEAN+3 (bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+). Xác định quan hệ lâu dài, Nhật Bản thúc đẩy hợp tác toàn diện với ASEAN trên cả bốn trụ cột: đối tác vì hòa bình và ổn định, đối tác vì sự thịnh vượng, đối tác vì chất lượng cuộc sống và đối tác “từ trái tim đến trái tim”.

ASEAN - Nhật Bản nỗ lực thúc đẩy hợp tác về Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP). Theo đó, AOIP chia sẻ các nguyên tắc cơ bản về tính công khai, minh bạch, toàn diện và tôn trọng luật pháp quốc tế, với cách tiếp cận của Nhật Bản vì một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” tự do và rộng mở (FOIP). Nhật Bản là một trong những quốc gia đầu tiên thông qua Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Indonesia - Chủ tịch ASEAN năm nay cũng thúc đẩy việc thông qua và thực hiện Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, do đó Nhật Bản ủng hộ lập trường này. Nhật Bản thúc đẩy các dự án hợp tác cụ thể phù hợp với 4 mục tiêu ưu tiên các lĩnh vực của AOIP, cụ thể là hợp tác hàng hải, kết nối, phát triển bền vững, và kinh tế cũng như các lĩnh vực hợp tác khác; đồng thời hỗ trợ các chức năng của Ban Thư ký ASEAN trong việc thúc đẩy và lồng ghép AOIP; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho cán bộ chính phủ trẻ ở các nước ASEAN, tập trung vào AOIP.

Trong lĩnh vực kinh tế, Nhật Bản là một trong những đối tác kinh tế “đáng tin cậy nhất” của ASEAN, trong đó có Việt Nam. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ tư và đối tác đầu tư lớn thứ hai của ASEAN. Ngoài quan hệ kinh tế, Nhật Bản còn đóng vai trò quan trọng trong hợp tác tài chính với các nước trong khối. Thông qua khuôn khổ ASEAN+3 được thành lập năm 1999, Nhật Bản hỗ trợ ASEAN trong thời kỳ khó khăn của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ ở châu Á... Ở chiều ngược lại, một ASEAN năng động, đa dạng, đang vươn mình phát triển, cũng luôn cần có sự đồng hành, hỗ trợ của Nhật Bản để xây dựng một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định, thịnh vượng.

Với những điểm bổ sung, song trùng và hài hòa lợi ích như thế, trải qua nửa thế kỷ, ASEAN và Nhật Bản đã trở thành những đối tác không thể thiếu của nhau, mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cả hai bên. Ngày nay, Nhật Bản liên tục được xếp hạng là đối tác “đáng tin cậy nhất” của ASEAN trong cuộc khảo sát tình hình Đông Nam Á hằng năm do ISEAS - Viện Yusof Ishak của Singapore thực hiện.

Cựu Bộ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Singapore Bilahari Kausikan đánh giá: "Nhật Bản là đối tác đáng tin cậy nhất của ASEAN và môi trường chiến lược hiện tại mang lại cho hội nghị cấp cao lần này một ý nghĩa đặc biệt". Hội nghị cũng một lần nữa khẳng định tinh thần “Cơ hội vàng, Tình bạn vàng” với hy vọng rằng, thế hệ sau sẽ ghi nhận năm nay là “Cơ hội vàng” để truyền lại “Tình bạn vàng” lâu đời giữa Nhật Bản và ASEAN cho tương lai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị cấp cao Nhật Bản - ASEAN: Tầm nhìn tạo dựng kỷ nguyên mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.