Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo động lực mới

Thế Văn| 23/06/2021 06:07

(HNM) - Thời gian qua, khi ngành Nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt với những điều kiện bất lợi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là tác động tiêu cực của dịch Covid-19, kinh tế trang trại đã trở thành một trong những “điểm tựa” của kinh tế nông nghiệp; bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, gia tăng xuất khẩu.

Trên địa bàn Hà Nội, tính đến hết năm 2020, có 1.558 trang trại, cho doanh thu 6.785 tỷ đồng. Kinh tế trang trại đã khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai; nâng cao giá trị thu nhập trên đất canh tác; tạo việc làm cho lao động tại các địa phương; góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới…

Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế trang trại của thành phố hiện phải đối mặt với nhiều "rào cản" về nguồn vốn, ứng dụng công nghệ, xúc tiến thương mại, đặc biệt là quỹ đất. Theo quy định tại Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28-2-2020 của Bộ NN&PTNT, trang trại trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trang trại tổng hợp phải có tổng diện tích đất sản xuất tối thiểu 1ha. Trong khi đó, thực tế tại một số địa phương của Thủ đô, nhất là những khu vực đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, đất đai dành cho nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Do đó, việc tạo ra quỹ đất có diện tích đủ lớn để phát triển kinh tế trang trại theo quy định là rất khó khăn.

Để kinh tế trang trại thật sự là “điểm tựa” cho kinh tế nông nghiệp trong giai đoạn phát triển mới của thành phố, ngành Nông nghiệp Thủ đô và các địa phương cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, để từ đó tạo ra động lực mới, thúc đẩy kinh tế trang trại phát triển bền vững.

Về đất đai và nguồn vốn, cùng với việc đề xuất, kiến nghị thay đổi các quy định về hạn điền, các cơ quan chức năng cần có chính sách khuyến khích liên kết, tích tụ ruộng đất. Cùng với đó, tăng cường hỗ trợ về tín dụng, như: Mở rộng đối tượng, hình thức, thời hạn cho vay, giảm thiểu thủ tục để các chủ trang trại tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Song song đó, đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận cho các trang trại để được hưởng các chính sách khuyến khích của Nhà nước.

Về phát triển các mô hình trang trại ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, các địa phương cần chủ động định hướng, hỗ trợ, gắn việc xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn với Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025". Tập trung xây dựng mô hình điểm về sản xuất, chế biến nông sản an toàn. Liên kết các trang trại trong tổ chức hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo chuỗi. Tạo cơ chế thúc đẩy các trang trại ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm sạch…

Cùng với đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần làm đầu mối liên kết chủ trang trại với các nhà khoa học, các doanh nghiệp chế biến, phân phối; đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, cung cấp thông tin về nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu…

Đối với các chủ trang trại, cần tiếp tục chú trọng đổi mới phương thức sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chủ động xây dựng thương hiệu sản phẩm, đẩy mạnh chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, từ đó nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Triển khai đồng bộ các giải pháp với tư duy, cách làm mới sẽ tạo động lực mới để kinh tế trang trại đóng góp tích cực hơn nữa vào đời sống kinh tế - xã hội khu vực nông thôn Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo động lực mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.