Thời gian qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại với quy mô lớn, tập trung, áp dụng khoa học, công nghệ, mang lại giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên, để các mô hình kinh tế trang trại phát huy hiệu quả hơn nữa, các hợp tác xã cần đa dạng hóa sản phẩm, sản xuất theo hướng an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Sử dụng hiệu quả đất đai
Hợp tác xã Gà vi sinh Thu Thoan, xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn) là một trong những mô hình kinh tế trang trại phát huy hiệu quả nhờ lối đi riêng, chăn nuôi gà thảo mộc. Ngoài sử dụng men vi sinh để cải thiện chất lượng đàn gà, hợp tác xã đã chọn lọc các loại thảo dược và sản phẩm hữu cơ để bổ sung vào thức ăn, như: Diệp hạ châu, cỏ mực, tỏi đen, cỏ mần trầu, sâm đương quy, nghệ, ngô, bã đậu… Nhờ bổ sung các thành phần thảo dược vào khẩu phần ăn hằng ngày, đàn gà có sức đề kháng tốt, ít bị dịch bệnh. Với diện tích hơn 5.000m2, hợp tác xã đang nuôi khoảng 3.000 con gà các loại; sản phẩm được tiêu thụ ở các siêu thị, cửa hàng tiện ích tại 15 tỉnh, thành phố trên cả nước, doanh thu đạt hơn 1,5 tỷ đồng/năm.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Lâm chủ trang trại ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, gồm nuôi trồng thủy sản kết hợp với chăn nuôi và trồng cây ăn quả trên diện tích 1,3ha. Trong đó có 2 khu chăn nuôi lợn quy mô 100 con lợn nái và 600 con lợn thịt/lứa, 2 khu nuôi gà đẻ siêu trứng có tổng đàn 40.000 con/lứa... Để có đầu ra ổn định, trang trại đã liên kết với Công ty cổ phần Thương mại 5S Pro (quận Nam Từ Liêm) và các bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện Quốc Oai, doanh thu đạt khoảng 20 tỷ đồng/năm.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều mô hình kinh tế trang trại cho hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn thành phố. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thủy sản và thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng cho biết, trên địa bàn Hà Nội hiện có 6.736 trang trại chăn nuôi (94 trang trại lớn, 1.735 trang trại vừa, 4.907 trang trại nhỏ), tăng 5,56% so với cùng kỳ năm 2023. Các trang trại đã áp dụng khoa học, kỹ thuật, đưa công nghệ cao vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và tăng thu nhập cho nông dân; đồng thời tạo ra nông sản, thực phẩm an toàn cho thị trường.
“Đặc biệt, kinh tế trang trại đã góp phần sử dụng hiệu quả đất đai, vốn, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hóa. Qua đó, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản, thúc đẩy các ngành nghề dịch vụ vào khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Nguyễn Đình Đảng cho hay.
Nâng cao trình độ chuyên môn cho chủ trang trại
Bên cạnh những hiệu quả mang lại, việc phát triển các mô hình kinh tế trang trại cũng còn gặp không ít khó khăn, do đa số chủ trang trại chưa qua các lớp đào tạo về công tác quản lý cũng như sản xuất, kinh doanh, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Một số chủ trang trại chưa quan tâm xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, nên số lượng trang trại có liên kết theo chuỗi còn ít, dẫn tới đầu ra cho sản phẩm bấp bênh…
Để các mô hình kinh tế trang trại phát huy hiệu quả, về phía các địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết, hiện tại trên địa bàn huyện có 583 trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn. Để các mô hình kinh tế trang trại phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ các chủ trang trại xây dựng thương hiệu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Cùng với đó, huyện hỗ trợ chủ trang trại tham gia hội chợ xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng; ký kết các hợp đồng tiêu thụ nông sản, thực phẩm với doanh nghiệp. Ngoài ra, huyện cũng phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên mở những lớp tập huấn về ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất cho chủ các trang trại...
Về phía thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương để giúp các chủ trang trại tiếp cận các chính sách hỗ trợ của thành phố về nông nghiệp, nông thôn, từ đó phát triển các mô hình kinh tế trang trại theo hướng giá trị cao và bền vững. Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đẩy mạnh phát triển các loại hình kinh tế trang trại, gia trại theo chuỗi liên kết, kết hợp du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm. Bên cạnh đó, các chủ trang trại cần đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, nhằm cung cấp cho thị trường các sản phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
“Các địa phương cần hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng quản lý, sản xuất, kinh doanh, kiến thức tiếp cận thị trường cho các chủ trang trại; phát triển nguồn nhân lực lao động có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu làm việc trong các trang trại quy mô lớn, vận hành theo chuỗi khép kín. Đồng thời, xây dựng mô hình kinh tế trang trại điểm về ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, trang trại gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm, sau đó tổng kết, đánh giá và hỗ trợ nhân rộng mô hình này ra diện rộng”, ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.