(HNM) - Các công trình văn hóa, nghệ thuật công cộng có sức thu hút và thỏa mãn nhu cầu của công chúng vốn rất phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Hà Nội, trong những năm gần đây, có khá nhiều công trình văn hóa, nghệ thuật ngoài trời được thiết kế và xây dựng, giúp thành phố trở thành nơi hội tụ không gian sáng tạo... Song, thói quen thưởng thức và trân trọng những công trình này của nhiều người dân còn nhiều hạn chế.
Xét về bản chất, các công trình văn hóa, nghệ thuật công cộng ở Hà Nội trước hết có tác dụng trang trí cho không gian đô thị và là những điểm nhấn cho không gian đó. Mặt khác, những công trình này còn có vai trò giáo dục thẩm mỹ cho cộng đồng theo một cách thức trực quan và sinh động nhất có thể, khi cung cấp cho người dân một không gian nghỉ ngơi, thư giãn và giao tiếp có chất lượng, đồng thời cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của du lịch thông qua việc quảng bá hình ảnh, văn hóa của thành phố. Ngoài ra, những công trình này còn có thể truyền tải những thông điệp nhất định, tùy thuộc vào ý đồ sáng tác của người nghệ sĩ hoặc theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức như một thông điệp về lịch sử, về di sản, về môi trường…
Tuy nhiên, đáng tiếc là do phải chịu cảnh "cha chung không ai khóc" nên không ít công trình đã bị xuống cấp trầm trọng như một số tác phẩm tại vườn tượng ở Công viên Bách thảo Hà Nội. Thậm chí mới đây xuất hiện những hình ảnh rất phản cảm ngay tại tác phẩm nghệ thuật “Tháp” được đặt tại đường dạo ven hồ Hoàn Kiếm bởi lý do rất đáng buồn...
Thực tế này cho thấy việc bảo vệ các công trình văn hóa, nghệ thuật công cộng là rất cần thiết. Đặc biệt, trong bối cảnh Hà Nội vừa trở thành thành viên mới của Mạng lưới các thành phố sáng tạo, thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), thì việc tạo dựng, duy trì và bảo vệ các công trình này còn mang ý nghĩa dài lâu.
Các công trình nghệ thuật công cộng là một thành phần không thể thiếu trong quy hoạch và kiến trúc của một đô thị hiện đại. Do đó, để phát huy giá trị các công trình này, tính thẩm mỹ là quan trọng nhất bởi mục tiêu chủ yếu là giáo dục thẩm mỹ cho cộng đồng, hoặc nâng cao nhận thức cho người dân. Bởi vậy, yêu cầu đặt ra với người sáng tác là mỗi tác phẩm nghệ thuật được lựa chọn để hiện diện trong không gian đô thị ngoài việc đáp ứng về chất lượng thiết kế, cần bảo đảm yêu cầu cơ bản khác như ý nghĩa, khả năng thụ cảm, chất liệu, màu sắc… để hấp dẫn đông đảo công chúng.
Phát triển công trình văn hóa, nghệ thuật công cộng là điều nên khuyến khích, tuy nhiên không thể tùy tiện, đơn giản trong trưng bày, giới thiệu trước công chúng. Bởi vậy, để không gian công cộng trở thành không gian có ý nghĩa tích cực thì nhất thiết phải có sự vào cuộc của các nhà chuyên môn và các cơ quan chức năng để thẩm định về nội dung, cách thức thực hiện..., sao cho nghệ thuật nơi không gian công cộng đạt được hiệu quả cao nhất về tầm vóc, trí tuệ, thẩm mỹ.
Hà Nội có bề dày truyền thống văn hóa, thanh lịch. Muốn cho du khách trong và ngoài nước tôn trọng, gìn giữ những giá trị văn hóa nghệ thuật công cộng khi tới tham quan thành phố, trước tiên mỗi người dân Thủ đô phải biết trân trọng, hành xử đúng mực với các giá trị này, mà cụ thể nhất là thực hiện đúng Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Hà Nội. Để thực hiện được điều đó, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, thái độ ứng xử phù hợp cho công chúng, các cơ quan chức năng cần áp dụng chế tài đủ mạnh, để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, xâm hại đến các công trình văn hóa nơi công cộng. Chỉ khi ấy, chúng ta mới tạo ra những điểm nhấn cho không gian đô thị, gìn giữ và phát triển thương hiệu thành phố sáng tạo...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.