Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo “cần câu” giúp nông dân thoát nghèo

Sơn Tùng| 18/07/2014 10:19

(HNM) - Được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu thuận lợi cho phát triển đàn bò nhưng để mở rộng chăn nuôi bò trên địa bàn huyện Ba Vì vẫn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, nhất là các hộ nghèo.

Nhận thấy rõ thực trạng đó, được sự giúp đỡ, tạo điều kiện tích cực của huyện Ba Vì, Công ty cổ phần (CP) Ao Vua đã cho ra đời Ngân hàng Bò huyện Ba Vì, bước đầu tạo ra "cần câu cơm" hữu ích cho các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong hai ngày 17 và 18-7, nguồn vốn này được trao đến người nông dân nghèo để đầu tư con giống và phát triển chăn nuôi.

Là đơn vị kinh doanh du lịch hiệu quả trên địa bàn, Công ty CP Ao Vua còn là đơn vị tích cực làm từ thiện, nhân đạo. Ngoài các hoạt động ủng hộ quỹ vì người nghèo, hướng về biển đảo, tặng bò theo chương trình Ngân hàng Bò của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, xây nhà tình nghĩa, tặng quà Tết cho các đối tượng chính sách trên địa bàn... trong hành trình giúp đỡ người nghèo và các đối tượng chính sách, Công ty CP Ao Vua luôn tìm ý tưởng mới để giúp đỡ người nghèo thoát nghèo hiệu quả. Nhận thấy, mục tiêu quan trọng nhất của chương trình xây dựng nông thôn mới đang triển khai rầm rộ ở các địa phương là nâng cao đời sống dân sinh, xóa đói giảm nghèo, trong đó điều quan trọng nhất là mang đến cho người nghèo việc làm để họ tự vươn lên mới thoát nghèo bền vững, Công ty CP Ao Vua đã thành lập hai Ngân hàng Bò (trị giá mỗi ngân hàng là 3 tỷ đồng) cho nông dân tỉnh Phú Thọ và huyện Ba Vì (Hà Nội) vay vốn. Đối tượng cho vay là các hộ dân nghèo, khó khăn có khả năng phát triển chăn nuôi trên địa bàn 7 xã nuôi bò trọng điểm của thành phố như: Vân Hòa, Tản Lĩnh, Phong Vân... Chia sẻ về ý tưởng thành lập Ngân hàng Bò trên địa bàn huyện Ba Vì và tỉnh Phú Thọ, ông Nguyễn Mạnh Thản, Tổng Giám đốc công ty cho biết: Điều mấu chốt cho người nghèo tự vươn lên thoát nghèo là tạo cho họ "cần câu" chứ không phải là cho "con cá". Nhưng cho "cần câu" như thế nào để trúng và phù hợp với tập quán canh tác, sản xuất của người nông dân là điều quan trọng. Với lợi thế về đất đai, điều kiện khí hậu và phong trào chăn nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn huyện thời gian qua, thì cách cho người nghèo vay vốn không tính lãi, giúp họ có kế sinh nhai từ nghề này mới có ý nghĩa thiết thực. Xuất phát từ ý tưởng đó, công ty quyết định dành 6 tỷ đồng để thành lập Ngân hàng Bò giúp nông dân nghèo.

Bà Phan Thị Hải Yến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì cho biết, nhận thấy việc Công ty CP Ao Vua thành lập Ngân hàng Bò giúp nông dân nghèo trên địa bàn huyện có ý nghĩa to lớn trong phong trào xóa đói giảm nghèo nên huyện Ba Vì rất quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với nông dân. Một ban chỉ đạo được thành lập, trong đó Hội Nông dân huyện là nòng cốt để giúp công ty lựa chọn các hộ nghèo và theo dõi, hướng dẫn người dân sử dụng đồng vốn đạt hiệu quả tốt. Đợt 1, với 3 tỷ đồng, công ty đã hỗ trợ cho 250 hộ gia đình phát triển đàn bò, tăng thêm thu nhập. Mỗi hộ được vay 12 triệu đồng trong vòng ba năm để mua bò lai Sind giống bảo đảm chất lượng. Sau ba năm khi kinh tế hộ ổn định, chăn nuôi phát triển, đồng vốn mới được thu hồi và quay vòng cho các hộ dân khác vay để tiếp tục chăn nuôi. Bà Yến khẳng định: Cách giúp đỡ "cần câu cơm" của Công ty CP Ao Vua rất linh hoạt, phù hợp với tâm lý nguyện vọng của đa số nông dân nghèo, cũng như chính quyền các địa phương. Rút kinh nghiệm từ các hình thức cho vay của các Ngân hàng Bò khác đang hoạt động như cho vay bò, sau đó bò đẻ ra bê và lấy bê cho hộ khác vay, hoặc cho vay trực tiếp bằng bò rồi trả bò… khiến nông dân đôi khi thụ động hoặc ít có động lực chăm sóc đàn bò tốt, khi vay vốn từ Ngân hàng Bò của công ty nông dân có thể mua bò giống theo nhu cầu và khả năng chăn nuôi của nông hộ. Đơn vị và chính quyền địa phương khuyến khích các hộ dân bỏ thêm vốn để có trách nhiệm cao hơn với việc phát triển chăn nuôi của gia đình. Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng: Đây là việc làm không chỉ có ý nghĩa về mặt xã hội, giúp nông dân nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững mà còn thực sự thúc đẩy các vùng chăn nuôi trọng điểm của thành phố phát triển nên rất đáng khích lệ. Ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ chỉ đạo cán bộ thú y cơ sở đồng hành, giúp người nghèo chăm sóc đàn bò phát triển tốt.

Có thể thấy việc cho vay vốn của Công ty CP Ao Vua đã tạo động lực cho hộ nông dân vươn lên. Hy vọng trong thời gian tới, không chỉ có Công ty CP Ao Vua mà nhiều DN khác trên địa bàn cùng chung tay, giúp sức, sẻ chia để có thêm nhiều hộ nghèo có được "cần câu cơm" hiệu quả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo “cần câu” giúp nông dân thoát nghèo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.