(HNM) - 1. Thế giới đang vừa tập trung chống dịch Covid-19 vừa phải đấu tranh với một loại dịch bệnh có tốc độ lây lan nhanh gấp nhiều lần và nguy hiểm không kém; đó là tin giả, tin sai sự thật, bịa đặt trên mạng xã hội. Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó.
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác phòng, chống dịch Covid-19 ngày 23-3 mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) cho biết, do sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội nên tình trạng khủng hoảng tâm lý xã hội diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Một trong những thách thức lớn Việt Nam phải đối mặt trong bối cảnh dịch bệnh, đó là tình trạng người dân dễ bị tác động bởi thông tin xấu độc trên mạng xã hội gây hoang mang, thậm chí kích động phân biệt, chia rẽ…
Nhìn lại hơn 2 tháng qua (ngày 23-1-2020, Việt Nam có ca mắc Covid-19 đầu tiên), chúng ta thấy thông tin xấu độc luôn tràn ngập trên mạng xã hội và gây ra rất nhiều hệ lụy, đúng như nhận định của Phó Thủ tướng Chính phủ.
Đầu tiên có thể kể đến loại thông tin tư vấn chữa bệnh thiếu cơ sở khoa học của các “bác sĩ” dỏm như diệt khuẩn bằng máy sấy tóc, uống thuốc chữa sốt rét… có thể phòng ngừa Covid-19. Tiếp đến là các “sản phẩm” của những kẻ tự cho mình là thạo tin và giàu… trí tưởng tượng. Chỉ liên quan đến việc tung tin sai sự thật về nhân thân, hành trình di chuyển khi về đến Hà Nội của bệnh nhân thứ 17 (phố Trúc Bạch, quận Hoàn Kiếm), các cơ quan chức năng Thủ đô đã lập biên bản, xử lý 26 trường hợp vi phạm.
Nhóm thông tin thất thiệt khác là bịa đặt về số lượng bệnh nhân nguy kịch do mắc Covid-19, sự khan hiếm các mặt hàng thiết yếu, trang thiết bị y tế, địa phương này, thành phố kia sắp bị phong tỏa... Những thông tin dạng này đã gây hoang mang dư luận, chia rẽ xã hội, làm giảm lòng tin của người dân vào các giải pháp của chính quyền…
Tất nhiên, tác giả của những sự bịa đặt này đã bị các lực lượng chức năng điều tra làm rõ, xử lý theo quy định. Và một điều đáng mừng khác, đó là những thông tin sai lệch đã bị chính cộng đồng mạng vạch mặt chỉ tên, yêu cầu tác giả phải điều chỉnh thái độ, hành vi.
Ngày 18-3, từ châu Âu về nước tránh dịch Covid-19, một phụ nữ gây náo loạn sân bay Nội Bài, đòi được đưa cách ly sớm hoặc về nhà tự cách ly vì phải chờ khai báo kiểm dịch y tế quá lâu. Hành vi phản cảm, ích kỷ vô lối này ngay lập tức bị cộng đồng sử dụng Facebook, Zalo… tẩy chay, phê phán và đề nghị: “Hãy là một công dân tốt và tuân thủ các quy định chống dịch của chính quyền”…
Hay như sau lần bị cơ quan chức năng triệu tập nhắc nhở, nhiều người hâm mộ phản đối…, một ca sĩ rất nổi tiếng đang sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh đã có sự điều chỉnh kịp thời. Trên trang fanpage cá nhân, ca sĩ này thường xuyên chia sẻ các thông tin tích cực, như việc nếu phải ra ngoài anh luôn đeo khẩu trang, khi về nhà thì thay và giặt bộ đồ vừa mặc và rửa tay đủ 6 bước…
Một điểm đáng chú ý khác là, trái ngược với sự dè dặt, lo lắng khi dịch khởi phát, cộng đồng mạng đã ngày càng bình tĩnh, có ý thức hơn. Rất nhiều người thay vì chia sẻ thông tin hồ nghi, sợ hãi… đã hướng đến những thông tin tích cực, từ đó cổ vũ, kết nối cộng đồng, tạo dựng niềm tin, sự đồng thuận để sẵn sàng chống “giặc Covid-19”.
Thay vì gam “màu xám”, xu hướng được cộng đồng quan tâm, chia sẻ trên mạng xã hội (hot trend) những ngày gần đây là những hình ảnh, hành động vui sống, lạc quan, như: Cuốn nhật ký bằng tranh và ảnh về những ngày cách ly tại Đà Nẵng của cô gái trẻ quê Tuyên Quang về từ Hàn Quốc, hình ảnh các chiến sĩ quân đội “những đêm ngủ ngoài trời, những bữa cơm ăn vội”, hay việc một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng 95 tuổi ở quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh cần mẫn may khẩu trang vải tặng người nghèo…
2. Bên cạnh những giá trị tích cực mang lại, mạng xã hội có điểm yếu, mặt tiêu cực cố hữu: Là một phương thức xuất bản không được kiểm duyệt khi đăng tải. Chất lượng, tính xác thực thông tin hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ, ý thức và trách nhiệm của người xuất bản (viết tin, đăng ảnh…); sự hiểu biết, tỉnh táo, khả năng sàng lọc, tiếp nhận thông tin của người tham gia (bình luận, chia sẻ…).
Do đó, trong cuộc chiến chống lại tin giả, tin sai sự thật, bịa đặt trên mạng xã hội đòi hỏi mỗi công dân là một chiến sĩ để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Không chỉ quan tâm tăng sức đề kháng để không bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2, từng người trong chúng ta cũng cần tăng "sức đề kháng” với những thông tin thất thiệt, sai sự thật bằng việc chủ động tìm kiếm, theo dõi, chia sẻ những nguồn thông tin tích cực, chính thống, đáng tin cậy; tỉnh táo với các tin giật gân, câu khách, không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng.
Dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp. Sự lạc quan, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, niềm tin vào điều tốt, cái đẹp; dẹp bỏ, đấu tranh với cái xấu như bịa đặt, kỳ thị, vô trách nhiệm với chính bản thân, gia đình và cộng đồng… sẽ giúp chúng ta tự tạo cho mình kháng thể chống lại “giặc Covid-19”. Trong cuộc sống, cái thiện rốt cuộc luôn chiến thắng cái ác, cái đẹp luôn dẹp được cái xấu…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.