Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng lương - mục tiêu chi cần ưu tiên hàng đầu

Châu Anh| 23/10/2014 06:31

(HNM) - Muốn tăng tiền lương thì phải cải cách bộ máy, giảm biên chế, phân định rõ khu vực công chức nhà nước, bộ máy công quyền...

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội. Nguồn: Internet


- Tiền lương chính là một động lực làm tăng năng suất lao động. Nhưng trong lúc năng suất lao động ở nước ta còn thấp thì có nên coi đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho con người, cho phát triển không, thưa ông?

- Tôi cho rằng, nếu có điều kiện, chúng ta sử dụng ngân sách để nâng lương cho cán bộ, công chức, cải thiện đời sống, làm sao cho tiền lương đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, cho gia đình cán bộ, công chức. Nó giải quyết hai vấn đề cơ bản lớn: Thứ nhất là tăng năng suất lao động, đời sống tốt thì năng suất lao động sẽ tăng lên; và thứ hai là giải quyết vấn đề xã hội, hạn chế được tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, công chức, khó khăn quá có thể dẫn đến sai lầm như tham nhũng, tiêu cực.

- Nhưng không chỉ có tiền lương, hiện nhiều lĩnh vực khác cũng đang rất cần được đầu tư?

- Hiện nay, ngân sách của nước ta còn thấp, trong khi phải tập trung cho các công trình xây dựng cơ bản để bảo đảm quốc kế dân sinh; đồng thời phải thực hiện xóa đói, giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số, cải thiện cơ sở hạ tầng vùng sâu, vùng xa, khó khăn, rồi các vấn đề y tế, giáo dục… Trong khi "bánh" ngân sách có hạn mà nhu cầu chi ra thì rất nhiều… Vì vậy, khi đầu tư cho con người, cho tiền lương, Quốc hội, Chính phủ nên nghiên cứu ưu tiên việc cải thiện đời sống cho cán bộ, công chức. Lộ trình cải cách tiền lương đã được đặt ra. Giai đoạn 2006-2010 đã 4 lần điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu, giai đoạn 2011-2013 là 3 lần điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu, nhưng nhu cầu sống tối thiểu của cán bộ, công chức vẫn không đáp ứng được yêu cầu. Khu vực doanh nghiệp được điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu theo 4 vùng, năm 2015 sẽ điều chỉnh tăng thêm 15% nhưng nhu cầu đời sống tối thiểu của người lao động vẫn chỉ đáp ứng 70%.

- Vậy theo ông, lý do không thể cân đối thu, chi nên không tăng lương liệu có thuyết phục?

- Theo tôi, nếu không ưu tiên tăng lương sẽ tác động đến nhiều mặt, nên đây phải là một trong những mục tiêu chi cần được ưu tiên hàng đầu. Chẳng hạn, tái cơ cấu nền kinh tế mà không tái cơ cấu nhân lực, không bù đắp đủ chi phí cho người lao động để họ có đời sống bảo đảm để tái sản xuất sức lao động, nói cách khác là không có điều kiện tăng năng suất lao động. Hiện nay nguồn nhân lực nước ta chưa mạnh. Để nâng cao chất lượng, đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong đó có tính tới yếu tố sức khỏe và năng lực của con người rất quan trọng. Ý kiến cá nhân tôi cho rằng, cải cách tiền lương là rất quan trọng.

- Cũng có đề xuất, nếu ngân sách hạn hẹp thì Chính phủ nên thực hiện theo hướng không tăng dàn trải, chỉ tăng một số nhóm. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

- Muốn tăng tiền lương thì phải cải cách bộ máy, giảm biên chế, phân định rõ khu vực công chức nhà nước, bộ máy công quyền (cả trong lực lượng vũ trang) và phải chú ý đến nhóm này để cải cách tiền lương. Với khu vực đơn vị công, đơn vị sự nghiệp cần nhanh chóng chuyển sang hình thức tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự cân đối lấy tiền thưởng và bảo đảm hoạt động kinh doanh. Còn các đơn vị sự nghiệp, hành chính phải theo tinh thần tự chủ, tự cải cách mà nâng lương.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng lương - mục tiêu chi cần ưu tiên hàng đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.