Kinh tế

Tăng lương tác động đến lạm phát không quá lớn

Hương Thủy 03/07/2024 - 14:17

Nhận định này được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo khoa học “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo năm 2024” do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức sáng 3-7, tại Hà Nội.

ht.jpg
Quảng cảnh tại hội thảo. Ảnh: Thanh Nga.

Theo số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2024 tăng 4,34% so với cùng kỳ năm trước. Tính trung bình, CPI đã tăng 4,39% trong quý II-2024 và tăng 4,08% trong 6 tháng đầu năm 2024.

TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, từ số liệu trên, có một số lo ngại về khả năng kiểm soát lạm phát trong cả năm 2024. Tuy nhiên, trên thực tế, áp lực lạm phát năm nay không quá lớn. Lạm phát so với cùng kỳ và lạm phát trung bình ở mức cao như hiện nay chủ yếu là do tác động từ các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý III-2023. Bởi vậy, quý III-2024, khi hiệu ứng từ các cuộc điều chỉnh giá này giảm dần, lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh và lạm phát trung bình cũng sẽ giảm theo, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá quy mô lớn đối với các mặt hàng được Nhà nước quản lý.

Hơn nữa, nếu nhìn vào tốc độ tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2024, có thể thấy áp lực lạm phát đang ở mức vừa phải. Cụ thể, so với cuối năm 2023, CPI mới chỉ tăng 1,40%, tương đương trung bình khoảng 0,23%/tháng. Nếu xét riêng trong quý II-2024, CPI chỉ tăng trung bình 0,1%/tháng. Đây đều là các mức vừa phải trong 5 năm gần đây.

Dự báo lạm phát 6 tháng cuối năm 2024, TS Nguyễn Đức Độ đưa quan điểm, áp lực lạm phát được dự báo cũng sẽ không lớn. Nguyên nhân là, mặc dù nền kinh tế đang phục hồi với tốc độ tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt mức 6,42% và dự báo cả năm có thể đạt mức 6,5%, nhưng xét cả giai đoạn 2020-2024, GDP chỉ tăng trung bình khoảng 5%/năm, thấp hơn mức trung bình 6,1% của giai đoạn 2014-2024, tức là nền kinh tế năm 2024 vẫn đang hoạt động ở dưới mức tiềm năng.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng giai đoạn 2020-2024 luôn ở mức thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP, khoảng 3,9%/năm. Nói cách khác, cầu tiêu dùng vẫn còn yếu. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp sẽ quan tâm đến việc tiêu thụ hàng hóa hơn là tăng giá.

Ngoài ra, mặc dù, tỷ giá tăng mạnh 6 tháng đầu năm (tăng 4,17% so với tháng 12-2023; tăng 7,66% so với cùng kỳ; bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 5,64%), nhưng lạm phát hằng tháng 6 tháng đầu năm 2024 không cao. Hơn nữa, đà tăng của tỷ giá đã chững lại trong tháng 5, 6-2024, và được dự báo sẽ ổn định, thậm chí giảm trong 6 tháng cuối năm, khi Fed hạ lãi suất 1-2 lần và đồng USD có thể giảm giá trên thị trường quốc tế.

Đáng chú ý, mặc dù lương cơ sở được tăng từ 1-7-2024, nhưng việc điều chỉnh lương chủ yếu diễn ra trong khu vực công có quy mô không lớn trong nền kinh tế (chưa đến 8%). Bởi vậy, các tác động từ việc tăng lương tới lạm phát thời gian tới sẽ không quá lớn.

“Về tổng thể, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ quy mô lớn, lạm phát trung bình cả năm 2024 được dự báo sẽ xoay quanh mức 3,4% (+/-0,2%)”, TS Nguyễn Đức Độ nói.

Trong khi đó, TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) đưa ra hai kịch bản: Các nền kinh tế lớn giữ nguyên lãi suất hoặc hạ chậm, kinh tế thế giới tiếp tục trì trệ, giá hàng hóa thế giới không tăng, CPI bình quân cả năm tăng khoảng 4%; các nền kinh tế lớn hạ lãi suất, kinh tế thế giới khởi sắc, giá hàng hóa thế giới tăng nhẹ, CPI bình quân cả năm vượt 4%.

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) dự báo, thời gian tới, áp lực lạm phát trong nửa cuối năm rõ nét và mạnh hơn so với nửa đầu năm và công tác quản lý, điều hành giá tiếp tục chịu áp lực lớn do ảnh hưởng từ tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo.

Về thị trường trong nước những tháng cuối năm cũng đã xuất hiện những yếu tố rõ nét gây áp lực lên mặt bằng giá như việc thực hiện lộ trình giá thị trường, tính đúng, tính đủ chi phí trong giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá tiếp tục là vấn đề cần xem xét thực hiện trong năm 2024 sau khi đã bước đầu được thực hiện trong năm 2023; chính sách cải cách tiền lương từ 1-7-2024…

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, nhiều tổ chức quốc tế dự báo lạm phát Việt Nam ở mức từ 4,2% - 4,5%, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng khoảng 0,26% - 0,39% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 trong khoảng 4% - 4,5%.

Để kiểm soát lạm phát nhằm hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, công tác điều hành chính sách cần ưu tiên chú trọng đảm bảo ổn định vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; theo dõi sát diễn biến thị trường từng mặt hàng, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; chủ động rà soát các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường; đánh giá kỹ tác động đối với mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều chỉnh giá phù hợp…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng lương tác động đến lạm phát không quá lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.