(HNM) - Mặc dù trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng nhờ sản xuất theo hướng an toàn, có nguồn gốc xuất xứ, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, các chuỗi liên kết nông sản trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn phát huy hiệu quả...
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát (huyện Thanh Trì) Lưu Ngọc Nam cho biết, để bảo đảm nguồn rau an toàn cung cấp ổn định cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể, hợp tác xã đã liên kết với 120 hộ nông dân ở xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) sản xuất hơn 20ha rau sạch. Ngoài ra, đơn vị còn ký kết bao tiêu toàn bộ rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ở các xã: Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc...
Còn Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai) Nguyễn Trọng Long chia sẻ, mỗi ngày, hợp tác xã cung ứng hơn 2 tấn thịt lợn cho thị trường. Nhờ liên kết chặt chẽ với hệ thống phân phối nên chuỗi tiêu thụ thịt lợn A-Z của hợp tác xã được duy trì ổn định trong suốt thời gian dịch bệnh vừa qua.
Dự kiến nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân dịp cuối năm sẽ tăng 15-20%, hợp tác xã đang đẩy mạnh việc tái đàn, chăm sóc tốt đàn lợn để cung cấp cho thị trường cuối năm với mức sản lượng có thể đạt hơn 100 tấn/tháng...
Đánh giá về hiệu quả của chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội kiêm Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, hiện 141 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ trên địa bàn thành phố phát huy hiệu quả rất tốt. Việc sản xuất theo chuỗi liên kết không chỉ giúp gia tăng giá trị kinh tế 15-20%, các chuỗi liên kết còn góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ nông sản có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn, chất lượng. Hiện nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, các biện pháp nhằm ổn định nguồn cung lương thực, thực phẩm có ý nghĩa hết sức quan trọng...
Thực tế, thời điểm này, các chuỗi đang tập trung sản xuất nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm cuối năm, song vẫn có một số yếu tố chưa thuận lợi, giá vật tư nguyên liệu đầu vào tăng cao, chi phí thuê bến bãi và nhân công cũng tăng; sự liên kết, kết nối thiếu bền vững, chưa chú trọng đến nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm chuỗi...
Để các chuỗi tiếp tục phát huy hiệu quả trong mọi tình huống, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, huyện có chính sách hỗ trợ về kinh phí để các xã tăng cường mở các lớp tập huấn, nâng cao nhận thức và kỹ thuật sản xuất nông sản đặc trưng của địa phương, xây dựng thương hiệu, liên kết với doanh nghiệp để ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, để hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản, Hà Nội đang nỗ lực triển khai hình thức tiêu thụ nông sản qua kênh trực tuyến, mạng xã hội nhằm không làm đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản trên địa bàn.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh, để hỗ trợ các chủ thể tham gia chuỗi liên kết, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi các mô hình kinh tế nông nghiệp theo hướng chuyên canh tập trung, từ đó, hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa lớn; đồng thời, hỗ trợ vốn vay từ Quỹ Khuyến nông để chủ thể sản xuất phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm bảo đảm nguồn cung nông sản an toàn cho người tiêu dùng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.