Xã Vân Nam thuộc vùng đất bãi ven sông Hồng của huyện Phúc Thọ, có truyền thống trồng chuối.
Những năm gần đây, các hộ trồng chuối trên địa bàn xã đã liên kết lại theo mô hình hợp tác xã. Sản phẩm thu hoạch có liên kết với các trường học, đơn vị quân đội trong khâu tiêu thụ, nên thị trường ổn định, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với canh tác theo phương thức truyền thống.
Những ngày này, các thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam (huyện Phúc Thọ) đang tập trung nhân lực ở cánh bãi của xã để tiêu úng, chăm sóc vườn chuối sau những ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam Doãn Văn Thắng cho biết, sản xuất nông nghiệp vốn chịu nhiều rủi ro bởi thiên tai, dịch bệnh. Tuy vậy, nhờ xây dựng được mô hình chuỗi liên kết ổn định từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, người trồng chuối đỡ vất vả, yên tâm canh tác hơn.
Theo ông Doãn Văn Thắng, cả xã Vân Nam hiện có hơn 120ha chuối, sản phẩm được trồng theo quy trình VietGAP. Hợp tác xã liên tục cải tiến quy trình sản xuất, nên chuối đạt chất lượng tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn. Khi cây chuẩn bị ra hoa, người dân dùng phân chuồng ủ mục bón gốc để bổ sung dinh dưỡng, giúp quả to và đều. Khi buồng chuối được 20 ngày, nông dân dùng ni lông bọc buồng để che sương, tránh gió, tránh làm thâm quả và hạn chế côn trùng. Chuối già được thu hoạch và làm chín bằng công nghệ giấm lạnh, giúp mẫu mã đẹp và an toàn cho người tiêu dùng…
Hợp tác xã đã đầu tư hơn 150 triệu đồng để xây dựng hệ thống kho lạnh (máy chạy lạnh luôn duy trì nhiệt độ ở mức 22-23°C) có thể bảo quản được 5 tấn chuối trong thời gian dài hơn, giúp các thành viên yên tâm gia tăng sản xuất. Ngoài ra, sau khi chuối thu hoạch về được đưa vào khu ủ bằng máy để chín đều hơn và quả đạt chuẩn độ ngọt. Sản phẩm chuối Vân Nam đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu và được thành phố Hà Nội chứng nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 4 sao.
Từ chỗ tổ chức sản xuất tốt, đầu tư công nghệ sau bảo quản, nắm bắt được nhu cầu của thị trường, Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam đã đẩy mạnh liên kết tiêu thụ chuối sạch, tránh tình trạng dư thừa, bị ép giá. Hiện nay, hợp tác xã đang bao tiêu toàn bộ sản phẩm chuối cho các hộ dân với sản lượng mỗi tháng khoảng 30 tấn, trong đó chủ lực là chuối tiêu hồng. Hợp tác xã thu mua của nông dân ổn định với giá 5.500 đồng/kg. Toàn bộ sản phẩm được đưa vào bếp ăn tập thể của các đơn vị quân đội đóng tại khu vực Hòa Lạc (huyện Thạch Thất) và thị xã Sơn Tây; các trường học và hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch…
Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn thông tin, thời gian qua, lãnh đạo huyện luôn trăn trở, tìm tòi, quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp, phát triển các chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, nhằm khai thác thế mạnh của địa phương, tạo ra các sản phẩm chất lượng tốt, an toàn, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản. Huyện chỉ đạo các phòng, ban, ngành chuyên môn nghiên cứu thị trường, khảo sát thực tế, nắm rõ tiềm năng của sản phẩm, quy trình sản xuất, hiệu quả kinh tế, chất lượng sản phẩm để xây dựng các chuỗi liên kết. Trong đó, sản phẩm chuối Vân Nam mã quả đẹp, năng suất cao, chất lượng tốt, dễ chăm sóc hơn nhiều loại cây ăn quả khác. Vốn đầu tư cho mỗi héc ta chuối từ 55 đến 65 triệu đồng/năm, nhưng cho thu nhập khá cao, khoảng 300-500 triệu đồng/ha/năm, hơn gấp 2-4 lần trồng lúa.
Thời gian tới, huyện Phúc Thọ sẽ nâng diện tích trồng chuối chất lượng cao của huyện lên hơn 300ha, trở thành một trong những nông sản chủ lực của huyện. Ngoài hai xã có truyền thống và diện tích sản xuất chuối lớn là Vân Nam, Vân Phúc, huyện mở rộng thêm vùng sản xuất chuối tập trung sang các xã: Vân Hà, Xuân Phú, vùng bãi Hát Môn, Thượng Cốc.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí khẳng định, Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Để hỗ trợ Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam phát triển các chuỗi liên kết, thành phố đã giúp hợp tác xã xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu; hỗ trợ chủ thể tham gia vào Chương trình OCOP, từ đó hoàn thiện quy trình sản xuất; có tem nhãn bao bì sản phẩm bắt mắt để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.