Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản là cách thức hiện đại, có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, đã được nhiều địa phương quan tâm triển khai. Tuy nhiên, hiện việc liên kết chuỗi nông sản vẫn gặp không ít khó khăn, cần sớm có giải pháp tháo gỡ, nhằm nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất, bảo đảm hiệu quả kinh tế, tránh tình trạng "được mùa, mất giá".
Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn chưa hỗ trợ được dự án, kế hoạch liên kết nào hoàn chỉnh.
Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh rau, củ, quả an toàn, du lịch làng nghề sinh thái Tâm Anh (huyện Phú Xuyên) Đào Thị Lương cho biết, mỗi ngày hợp tác xã tiêu thụ hàng chục tấn nông sản, thực phẩm theo chuỗi liên kết với các đơn vị khác, cung ứng cho nhiều siêu thị. Song, do một số hộ dân chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất an toàn, gây khó khăn cho hợp tác xã trong việc thu mua nông sản theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.
Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) Hoàng Văn Thám, để được hưởng chính sách hỗ trợ theo liên kết chuỗi còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Nghị định số 98/2018/NĐ-CP chưa nêu rõ nguồn kinh phí hỗ trợ hạ tầng bằng nguồn đầu tư hay nguồn kinh phí sự nghiệp. Hợp tác xã có thể được hưởng 100% chi phí tư vấn liên kết (tối đa là 300 triệu đồng), bao gồm tư vấn nghiên cứu xây dựng hợp đồng liên kết, phương án sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường, tư vấn xây dựng dự án liên kết. Thế nhưng, các hợp tác xã cũng rất khó tìm kiếm và hợp tác được với các đơn vị tư vấn, nhất là đơn vị tư vấn có năng lực.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, việc xây dựng chuỗi liên kết đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh biến động thị trường, rào cản thương mại, chi phí sản xuất tăng cao. Đến nay, thành phố Hà Nội đã xây dựng và phát triển được 159 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản. Khó khăn nhất hiện nay là mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà phân phối trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản còn lỏng lẻo. Phần lớn hợp tác xã của Hà Nội chưa thể tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ, bởi các dự án liên kết thường thực hiện theo giai đoạn 3-5 năm; trong khi đó, việc quy định chi, hình thức chi và nguồn vốn dành cho việc hỗ trợ thường được đăng ký, phân bổ từng năm...
Để Nghị định số 98/2018/NĐ-CP đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả, theo Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai) Nguyễn Trọng Long, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân, người sản xuất trong khâu liên kết, bảo đảm tuân thủ yêu cầu của hợp tác xã và doanh nghiệp. Sở NN&PTNT Hà Nội cần kiến nghị với các bộ, ngành có hướng dẫn cụ thể về công tác giải ngân từng danh mục hỗ trợ và bố trí nguồn kinh phí riêng thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, Sở đã tổng hợp những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, kiến nghị điều chỉnh, hoàn thiện chính sách, bảo đảm phù hợp thực tiễn; đồng thời đang từng bước hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp và người dân trong liên kết tiêu thụ nông sản. Cùng với sự vào cuộc của Sở, các bên tham gia liên kết phải tuân thủ sự cam kết, tôn trọng quyền lợi của nhau. Đặc biệt, hợp tác xã phải thể hiện vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ tiêu thụ tập trung sản phẩm của các thành viên hợp tác xã và có biện pháp, chế tài phù hợp đối với thành viên, hộ dân vi phạm cam kết.
Bên cạnh đó, các địa phương cần phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn, hỗ trợ, điều phối hoạt động trong thực hiện chuỗi liên kết tại địa bàn quản lý; kịp thời xử lý, giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh giữa các bên tham gia. Mặt khác, các địa phương cũng cần xác định được sản phẩm chủ lực, từ đó có những đầu tư thích đáng về đất đai, nguồn vốn, thúc đẩy quá trình thực hiện liên kết của hợp tác xã, doanh nghiệp được hiệu quả, trên cơ sở các bên cùng có lợi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.