(HNM) - Cùng với việc chủ động kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý vi phạm trong khai thác tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang tích cực thực hiện nhiều biện pháp nhằm siết chặt công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn thành phố, tăng tỉ lệ dân số được sử dụng nước sạch.
Theo kết quả điều tra nước dưới đất, số liệu quan trắc định kỳ của mạng quan trắc thành phố và quốc gia, trên địa bàn TP Hà Nội thì tầng chứa nước phân bố rộng khắp. Chiều sâu bắt gặp mái tầng chứa nước thường từ 10m đến 35m. Vì vậy, việc khai thác nước dưới đất phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân tương đối dễ dàng. Đặc biệt, tại khu vực nông thôn, vùng chưa có nước sạch tập trung, hầu hết mỗi hộ gia đình đều có một giếng khoan khai thác nước dưới đất.
Tuy nhiên, chất lượng nước dưới đất ở một số nơi trên địa bàn thành phố có hàm lượng sắt, mangan cao hơn tiêu chuẩn cho phép đối với nước sinh hoạt. Hàm lượng các hợp chất nito, ammonia rất cao, nhất là phía Nam khu vực nội thành và huyện Thanh Trì đạt đến vài chục miligam/lít. Thông qua công tác điều tra nước dưới đất, Sở Tài nguyên và Môi trường đã khoanh được vùng có hàm lượng ammonia rộng khoảng 100km2, bao trùm địa bàn các quận, huyện: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa; hoặc vùng bị nhiễm mặn như: Phú Xuyên, Ứng Hòa và một phần huyện Thường Tín…
Tại khu vực nông thôn, hầu hết người dân khai thác nước dưới đất ở tầng nông, xử lý nước bằng biện pháp tương đối đơn giản thông qua bể lọc cát thông thường, chưa bảo đảm kỹ thuật, nên chất lượng nước sinh hoạt chưa đạt chuẩn, có thể gây hại cho sức khỏe.
Về công tác quản lý, hằng năm Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với đơn vị chức năng, UBND quận, huyện, thị xã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc thực hiện Luật Tài nguyên nước của tổ chức, đơn vị có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố. Chỉ tính riêng năm 2017, Sở đã thành lập hơn 10 đoàn thanh tra về lĩnh vực tài nguyên nước.
Qua đó, đã có hàng chục trường hợp vi phạm bị xử phạt hành chính với số tiền hơn 2 tỷ đồng... Sở đã hướng dẫn các quận, huyện, thị xã đôn đốc tổ chức, cá nhân có giếng khoan khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10m3/ngày đêm...
Triển khai thực hiện Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT ngày 9-9-2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, Sở yêu cầu các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ cấp nước sinh hoạt phải xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, công bố trên phương tiện thông tin truyền thông.
Ngoài ra, Sở đã trình UBND thành phố phê duyệt 14 vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; ban hành 9 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho 9 tổ chức, cá nhân với tổng số 271,493 triệu đồng; tiếp nhận, thẩm định hồ sơ trong lĩnh vực tài nguyên nước, trình UBND thành phố cấp 448 giấy phép...
Theo ông Bùi Duy Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, năm 2018 Sở sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành việc thực hiện các quy định của Luật Tài nguyên nước; lập “Quy hoạch tài nguyên nước TP Hà Nội đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050”; xây dựng và công bố danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ; rà soát, điều chỉnh, bổ sung vùng cấm, vùng hạn chế, vùng cho phép khai thác sử dụng nước trên địa bàn thành phố; xử lý, trám lấp giếng không sử dụng; bảo vệ nước dưới đất khi thực hiện các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác…
Thành phố đang tích cực triển khai xây dựng các nhà máy cấp nước sạch lớn, như: Nhà máy Nước mặt sông Hồng (300.000m3/ngày đêm), Nhà máy Nước Bắc Thăng Long (150.000m3/ngày đêm), Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông (30.000m3/ngày đêm), Nhà máy Nước mặt sông Đà (600.000m3/ngày đêm); Nhà máy Nước mặt sông Đuống (600.000m3/ngày đêm)... nhằm thực hiện mục tiêu 100% số dân được sử dụng nước sạch, đồng thời hạn chế tình trạng khai thác tài nguyên nước tràn lan bằng giếng khoan.
Việc xây dựng các nhà máy cấp nước sạch trên địa bàn thành phố được triển khai theo hướng khuyến khích sử dụng nước mặt, hạn chế, giảm dần và tiến tới không khai thác nước dưới đất; nhà máy nước phải có hệ thống xử lý nước tiên tiến để bảo vệ sức khỏe nhân dân…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.