Môi trường

Sửa Luật Tài nguyên nước: Cần rà soát kỹ, tránh sự chồng chéo

Thu Hằng 29/09/2023 - 13:25

Ngày 29-9, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội (Liên hiệp Hội Hà Nội) tổ chức hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)”.

1(2).jpg
Quang cảnh hội thảo.

Góp ý tại hội thảo, PGS.TS Đinh Ngọc Tấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ và Phân tích môi trường cho rằng, nội dung Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã thể chế hóa tương đối đầy đủ quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước về quản lý, sử dụng tài nguyên nước hiện tại và trong tương lai 10-20 năm. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung cần phải rõ và cụ thể hơn trong Luật.

Ngoài ra, ông cũng đề nghị cơ quan soạn thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cần quan tâm tới vấn đề tiết kiệm nước sạch trong các hoạt động rửa xe máy, ô tô, dùng cho bể bơi… vì đây là các hoạt động tiêu tốn rất nhiều nước sạch dùng cho sinh hoạt nhưng không thấy đề cập tới.

3(1).jpg
PGS.TS Đinh Ngọc Tấn phát biểu.

TS. Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hà Nội nhận xét, tài nguyên nước là lĩnh vực rất rộng và hiện đang được quy định trong một số luật liên quan đến quy hoạch, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, như: Luật Thủy lợi, Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch... Vì thế, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát kỹ, tránh chồng chéo, trùng lặp.

“Đọc cả Dự thảo Luật chỉ thấy những cụm từ như “quy định chính sách, quy hoạch, lập quy hoạch, điều tra tài nguyên nước...”; những cụm từ định tính “quy mô lớn”, “quy mô vừa”, “quy mô nhỏ”, “quy mô khai thác nước lớn”, “khả năng của nguồn nước”... mà chưa thấy những điều khoản mang tính quy phạm (giả định - quy định - chế tài) trong bảo vệ tài nguyên nước; chưa có quy định cụ thể vai trò, vị trí, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, các cơ quan, các địa phương trong việc bảo vệ tài nguyên nước; chưa có cách nào làm giảm ô nhiễm nguồn nước, làm cạn kiệt nguồn nước... những điều khoản còn rất chung chung. Về văn phong, các điều khoản còn viết rất dài, không cụ thể, không rõ ràng, gây khó nhớ, khó thực hiện trong việc áp dụng luật”, Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến góp ý.

2(1).jpg
TS. Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm phát biểu.

TS. Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) với cấu trúc 10 chương là hợp lý. Một số nội dung đã tiếp cận với thực tiễn và có quy định tiếp cận với khoa học công nghệ mới song còn một số vấn đề. Cụ thể như: Chương X: Điều khoản thi hành có đề cập đến sửa đổi, bổ sung một số Luật liên quan như Luật Quy hoạch, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy lợi, Luật Đầu tư... là chưa đủ. Còn một luật khác là Luật Xây dựng về thi công xây dựng công trình, nên xem xét thêm để bảo đảm đồng bộ, nhất là nên có điều quy định mở để thuận lợi khi Luật Đất đai, Luật Quy hoạch Đô thị và nông thôn... ban hành sắp tới.

Ngoài ra, trong Dự thảo Luật có tới 16 nội dung phải chờ Chính phủ quy định cụ thể, trong khi có một số nội dung cấp bách như: Hành lang bảo vệ nguồn nước, quy định gây mưa nhân tạo, bảo vệ nước ngầm... nên có ngay trong Luật.

Kết thúc hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp Hội Hà Nội Lê Xuân Rao cho biết Liên hiệp Hội Hà Nội sẽ tổng hợp để gửi tới các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sửa Luật Tài nguyên nước: Cần rà soát kỹ, tránh sự chồng chéo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.