Sau 5 ngày làm việc (từ ngày 11 đến ngày 15-9), Hội nghị Tài nguyên nước thế giới lần thứ 18 đã thành công tốt đẹp tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc).
Tại hội nghị, đại biểu các nước đã chia sẻ kinh nghiệm quản lý nước và hợp tác giải quyết những thách thức liên quan đến nguồn nước; truyền đi thông điệp kêu gọi các nỗ lực sử dụng hiệu quả và bảo vệ tài nguyên nước trên quy mô toàn cầu.
Diễn ra 3 năm một lần kể từ năm 1973, đây là lần đầu tiên Hội nghị Tài nguyên nước thế giới được tổ chức tại Trung Quốc. Với chủ đề “Nước cho tất cả: Sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên”, hội nghị có sự tham gia của gần 1.300 đại diện đến từ hơn 60 quốc gia và khu vực, cùng hơn 30 tổ chức quốc tế.
Tại hội nghị, nước chủ nhà đã giới thiệu những thành tựu trong quản lý bảo tồn nước. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc Lý Quốc Anh cho biết, từ xưa đến nay, tại Trung Quốc thường là lũ lụt vào mùa hè và hạn hán vào mùa đông, sự phân bổ tài nguyên nước theo không gian và thời gian không đồng đều, phía Bắc thiếu và phía Nam dồi dào, lũ lụt, hạn hán xảy ra thường xuyên. Với mục tiêu giảm thiệt hại về nước và thúc đẩy bảo tồn nguồn nước nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định lâu dài của đất nước, Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt giải pháp. Qua đó, giải quyết những khó khăn trong kiểm soát nguồn nước, thay đổi phương thức sử dụng, tối ưu hóa tổng thể mô hình phân bổ tài nguyên nước, cải thiện cơ bản về diện mạo của sông, hồ...
Những nỗ lực trên đem tới tiến bộ đáng kể cho quốc gia chỉ có 6% tài nguyên nước ngọt của thế giới nhưng phải bảo đảm nguồn cung cho 18% dân số toàn cầu. Theo dữ liệu công bố tại hội nghị, tỷ lệ sử dụng nước trên 10.000 nhân dân tệ (tương đương 1.373 USD) tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc đã giảm tới 46,5% từ năm 2022 đến nay. Cùng kỳ, lượng nước tiêu thụ trên mỗi 10.000 nhân dân tệ giá trị công nghiệp cũng giảm tới 60%. Kết quả giám sát thời gian thực quốc gia về xói mòn đất và nước năm 2022 do Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc công bố tháng 8-2023 cũng ghi nhận, diện tích xói mòn đất và nước ở Trung Quốc đã giảm xuống còn 2,65 triệu kilômét vuông vào năm 2022, giảm 20.800km2 (0,78%) so với năm 2021.
Kết quả này được các đại biểu tham dự hội nghị đánh giá cao. Chủ tịch Ủy ban Nước thế giới (WWC) Loic Fauchon kêu gọi Trung Quốc tích cực chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý nguồn nước để giúp thế giới xác định “điểm cân bằng hài hòa giữa nước phục vụ nhân loại và nước cho tự nhiên”. Về phần mình, Giám đốc Cục Quản lý lưu vực sông và Bảo vệ nguồn nước (Bộ Nội vụ Hungary) Peter Kovacs cho rằng, những kinh nghiệm học hỏi được từ hội nghị lần này sẽ rất hữu ích cho việc xây dựng hạ tầng liên quan tới nước ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Phi và châu Á.
Trong 5 ngày chương trình hội nghị, 4 cuộc họp toàn thể cấp cao và hàng loạt cuộc họp đặc biệt, nhiều cuộc họp chuyên đề và các sự kiện bên lề khác cũng diễn ra suôn sẻ. Qua các phiên thảo luận, đại biểu các nước đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và bàn giải pháp hợp tác để đạt được những mục tiêu liên quan đến nước trong Chương trình nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, thành tựu quan trọng nhất nằm ở việc hội nghị nhất trí thông qua Tuyên bố Bắc Kinh. Tuyên bố kêu gọi sử dụng hiệu quả và bảo vệ tài nguyên nước, chia sẻ kinh nghiệm quản lý nước và hợp tác giải quyết các thách thức liên quan đến nguồn nước.
Để đạt được mục tiêu này, tuyên bố nhấn mạnh tới vai trò của các chính sách và kế hoạch quốc gia, đổi mới công nghệ, chia sẻ thông tin, đầu tư và sự tham gia của người dân; đồng thời khẳng định việc bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên nước là quyền và nghĩa vụ chung mà tất cả các quốc gia và mọi cư dân trên thế giới phải thực hiện. Theo đó, mọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp và mọi quốc gia đều cần nỗ lực đạt được mục tiêu bảo tồn nước, phát triển hợp lý và sử dụng hiệu quả trong khả năng.
Nhìn chung, Hội nghị Tài nguyên nước thế giới năm nay đã thành công tốt đẹp. Nội dung hội nghị phù hợp với tình hình thế giới và góp phần quan trọng vào thực hiện kết quả Hội nghị nước Liên hợp quốc hồi đầu năm. Những cách tiếp cận mới sẽ tiếp tục gia tăng hiệu quả sử dụng nước, giảm thiểu tác động của biến đối khí hậu, là những mục tiêu quan trọng trong bối cảnh tai họa thiên nhiên liên quan tới nước gia tăng và vẫn có tới 1/4 dân số toàn cầu chưa thể tiếp cận nước uống an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.