Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xem xét bổ sung hành vi cấm vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Đức Duy| 11/04/2023 19:28

(HNMO) - Ngày 11-4, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức cuộc họp báo cáo việc hoàn thiện dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, trên cơ sở Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Quản lý tài nguyên nước đã nghiên cứu, rà soát để hoàn thiện dự thảo Luật.

Theo đó, hầu hết các ý kiến của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tập trung nghiên cứu, chỉnh sửa những nội dung mang tính kỹ thuật soạn thảo, phương thức thể hiện, làm rõ sự thống nhất, đồng bộ, không làm thay đổi đến các nội dung chính của dự thảo Luật mà Chính phủ đã trình Quốc hội và vẫn giữ nguyên 4 chính sách đã được Quốc hội thông qua. Do đó, Cục Quản lý tài nguyên nước đề nghị được nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh sửa trong dự thảo Luật.

Đối với đề nghị nghiên cứu cụ thể hóa các nội dung trong Luật để giảm nội dung thuộc Chính phủ quy định, Cục Quản lý tài nguyên nước kiến nghị rà soát nghiên cứu, tiếp thu theo hướng giảm số lượng nội dung thuộc Chính phủ quy định chi tiết và dự kiến sẽ quy định cụ thể khoảng 10 điều để giảm nội dung thuộc Chính phủ hướng dẫn (từ 33 điều xuống còn khoảng 23 điều).

 Các đại biểu dự cuộc họp.

Bên cạnh đó, Cục cũng đang rà soát, giải trình một số nội dung liên quan tới việc kiện toàn hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý nguồn nước, bảo đảm thống nhất, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xem xét bổ sung hành vi cấm đưa chất thải, rác thải vào hành lang bảo vệ nguồn nước; xem xét bổ sung hành vi lấn chiếm hành lang bảo vệ sông, suối, kênh, hồ chứa; xem xét tính khả thi của quy định cấm xả nước thải vào nguồn nước dưới đất...

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đề nghị, thời gian tới, Tổ biên tập cần phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng các báo cáo giải trình, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Luật. Đặc biệt, Tổ biên tập cần tiếp thu đầy đủ ý kiến của Chủ tịch Quốc hội để bảo đảm văn bản pháp luật logic, rõ ràng, có tính hệ thống, minh bạch và khả thi…

Dự kiến, Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5, diễn ra vào tháng 5-2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xem xét bổ sung hành vi cấm vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.