Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ để khai thác, sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước

Tuấn Minh| 20/06/2023 18:00

(HNMO) - Chiều 20-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Đa số ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi; đồng thời đề nghị sửa đổi nhiều quy định nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Tài nguyên nước hiện hành, bảo đảm sự thống nhất với hệ thống pháp luật liên quan, đáp ứng nhu cầu hội nhập sâu rộng của đất nước.

Toàn cảnh phiên họp chiều 20-6.

Góp ý cụ thể về tên gọi, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) đề nghị đổi tên thành Luật Bảo vệ nguồn nước, vì xuyên suốt nội dung của dự thảo Luật đề cập phạm vi bảo vệ nguồn nước. Dự thảo có đề cập trách nhiệm quản lý nước sinh hoạt, nước tưới tiêu, nước công nghiệp… nhưng lĩnh vực này đều thuộc các luật chuyên ngành do các bộ chuyên ngành quản lý. 

Theo đại biểu Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang), nước khoáng, nước nóng thiên nhiên vẫn là tài nguyên nước, tồn tại ở các tầng chứa nước dưới đất và có khả năng tái tạo không như các loại khoáng sản khác. Trong khi các quy định của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) bao hàm tất cả nội dung về quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng nước dưới đất. Vì vậy, đại biểu đề nghị đưa nước khoáng, nước nóng thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật để đảm bảo thống nhất quản lý về tài nguyên nước như đã nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều 4 của dự thảo Luật.

Đại biểu Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang) phát biểu.

Tại khoản 7 điều 44 của dự thảo Luật quy định về việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan khi đầu tư dự án công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước có ảnh hưởng lớn đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân trên địa bàn, có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành lấy ý kiến về những nội dung liên quan đến phương án khai thác, sử dụng tài nguyên nước của dự án; tổng hợp, tiếp thu, giải trình bằng văn bản và gửi kèm theo hồ sơ cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) cho rằng, quy định như dự thảo sẽ dẫn đến sự chồng chéo với pháp luật về đánh giá tác động môi trường, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) khẳng định, việc lấy ý kiến nhân dân là rất cần thiết, nhưng quy định như dự thảo Luật dẫn đến sự chồng chéo với pháp luật về đánh giá tác động môi trường. Quy định như dự thảo Luật sẽ dẫn tới nguy cơ một dự án sẽ phải lấy ý kiến 2 lần hoặc thực hiện một lần nhưng phải có 2 bộ hồ sơ, gây tốn kém, phát sinh chi phí thủ tục hành chính. Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này, trong trường hợp cần thiết, sửa đổi bổ sung quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cho phù hợp.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) phát biểu.

Quan tâm đến chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước (Điều 5), đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn Bắc Giang) và đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) bày tỏ đồng tình cao với dự thảo Luật đã bổ sung quy định: “Nhà nước có cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước; xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để tái sử dụng, xử lý nước mặn, nước lợ thành nước ngọt”. Đây là chính sách rất cần thiết, trên thế giới, việc tái sử dụng nước đã được sử dụng khá phổ biến cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm: Nông nghiệp, công nghiệp, đô thị ….

Các đại biểu cho rằng, tại Việt Nam hiện nay, nguồn nước ngọt còn tương đối nhiều, tuy nhiên tình trạng giảm mực nước tại một số dòng sông; việc suy kiệt nguồn nước ngầm; tình trạng hạn hán ở miền Trung, nhiễm mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long… đang đặt ra việc phải sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả hơn, sử dụng nước tiếp cận theo hướng kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, đa dạng các nguồn nước là việc làm hết sức cần thiết; Nhà nước cần có chính sách phù hợp để khuyến khích nghiên cứu, đầu tư vào lĩnh vực này.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường chiều 20-6.

Về hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 10, đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn Lạng Sơn) đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, bổ sung thêm hai hành vi cấm: Cấm đưa chất thải, rác thải vào hành lang bảo vệ nguồn nước và cấm lấn chiếm hành lang bảo vệ sông, suối, kênh, hồ chứa vào cuối khoản 4 Điều 10. Lý do được đại biểu nêu ra hai hành vi nêu trên có thể gây ô nhiễm trực tiếp hoặc gián tiếp vào nguồn nước nhưng các hành vi này chưa được đề cập tại Điều 10 của dự thảo Luật…

Phát biểu làm rõ các nội dung đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa, tổng hợp các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các giải pháp sử dụng nước khoa học, tiết kiệm, tiếp cận theo hướng tuần hoàn nguồn nước. Đối với đề nghị của đại biểu bổ sung phạm vi điều chỉnh đối với nước nóng, nước khoáng, Bộ trưởng cho biết, nội dung này đã được quy định trong Luật Khoáng sản; đối với nước ngầm thuộc đặc quyền kinh tế, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu, cùng với cơ quan liên quan tiến hành thẩm định rà soát nội dung này.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu giải trình.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, có 20 đại biểu phát biểu ý kiến, 2 đại biểu tranh luận, 22 đại biểu chưa phát biểu do hết thời gian, đề nghị gửi ý kiến qua bộ phận thư ký tổng hợp.

Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Tài nguyên nước để khắc phục bất cập, hạn chế của luật hiện hành, thể thế hóa chủ trương của Đảng về bảo vệ, quản lý, sử dụng tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, hồ chứa nước; tích cực chủ động trữ nước, điều tiết nước trong sinh hoạt và đời sống...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và ý kiến phát biểu tại tổ để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án Luật, trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ để khai thác, sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.