(HNM) - Trong tháng 10 và 11-2019, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trường học. Qua kiểm tra cho thấy, có nơi công tác bảo đảm an toàn thực phẩm bữa ăn học đường được triển khai rất bài bản nhưng có nơi vẫn để xảy ra sai phạm. Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm bữa ăn học đường ngày càng trở thành vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết.
Vẫn còn nhiều tồn tại
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố có hơn 4.500 bếp ăn tập thể và căng tin trường học. Qua kiểm tra, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá, đa số các trường đã đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng bếp ăn theo nguyên tắc một chiều. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số bếp ăn có diện tích khu sơ chế và chế biến chật hẹp, chưa theo nguyên tắc một chiều, kho bảo quản thực phẩm còn sắp xếp lộn xộn, chưa có lưới chắn côn trùng…
Huyện Ba Vì có tổng số 134 trường học và nhóm trẻ, trong đó có 88 trường tổ chức bữa ăn bán trú. Ông Đỗ Mạnh Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, Trưởng ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm huyện Ba Vì cho biết, 100% trường đã thành lập tổ giám sát thực phẩm bếp ăn bán trú, có giấy chứng nhận cam kết trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm; tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên, người tham gia chế biến, nấu ăn tại các bếp ăn tập thể trường học.
Ngành Y tế huyện cũng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra giám sát 64 lượt, xét nghiệm nhanh 48 mẫu thực phẩm tại 64 trường mầm non và tiểu học. Trên cơ sở đó nhắc nhở, khắc phục những tồn tại trong khâu vệ sinh đồ dùng và việc lưu mẫu thực phẩm đúng quy định.
Còn tại buổi kiểm tra đột xuất của Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố do Sở Y tế Hà Nội chủ trì tại Trường Mầm non trung tâm xã Vật Lại và Trường Tiểu học Thái Hòa trên địa bàn huyện Ba Vì, cơ sở vật chất và trang thiết bị bếp ăn của các trường đều đáp ứng yêu cầu vệ sinh, an toàn thực phẩm; có hợp đồng của đơn vị cung cấp thực phẩm; các bếp ăn bán trú được bố trí có khu chế biến, kho, bếp nấu và phòng ăn riêng; có tủ sấy dụng cụ; người tham gia chế biến được khám sức khỏe.
Tuy nhiên, Đoàn kiểm tra cũng lưu ý các trường cần bố trí khu bếp ăn bán trú theo một tổng thể thống nhất, khoa học; có lưới chống côn trùng, ruồi, muỗi tại các cửa sổ và cửa ra vào của phòng ăn và khu chia bữa ăn.
Tương tự, trên địa bàn huyện Mê Linh có 107 cơ sở giáo dục, gồm nhóm trẻ, trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trong đó 88 cơ sở có bếp ăn tập thể. Nhằm chăm lo bảo vệ sức khỏe cho học sinh, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn công tác quản lý, chỉ đạo vệ sinh, an toàn thực phẩm, cách xử trí khi xảy ra ngộ độc thực phẩm tại trường học cho 240 người là hiệu trưởng, bếp trưởng, nhân viên y tế các trường học. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2019 đến nay, Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm huyện đã kiểm tra 54 cơ sở bếp ăn tập thể trường học, phát hiện và xử phạt 4 cơ sở vi phạm với số tiền trên 16 triệu đồng.
Theo báo cáo của UBND huyện Mỹ Đức, trên địa bàn huyện có tổng số 79 trường học, trong đó 35 cơ sở có bếp ăn tập thể. Trung bình các trường cung cấp 460 suất ăn/ngày. Qua kiểm tra, giám sát 31 cơ sở, các đoàn kiểm tra của huyện đã phát hiện 8 cơ sở không đạt yêu cầu về vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Qua kiểm tra tại 2 trường học trên địa bàn huyện Mỹ Đức, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố do Sở Y tế Hà Nội chủ trì đã yêu cầu bếp ăn tập thể của Trường Tiểu học Hợp Tiến B tạm dừng hoạt động để cải tạo cơ sở vật chất, tuân thủ quy trình bếp một chiều và hoàn thành thủ tục pháp lý liên quan, đồng thời giao cơ quan chức năng của huyện giám sát.
Chấn chỉnh ngay sai phạm
Mặc dù ngành Giáo dục, các nhà trường có nhiều nỗ lực để bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, vẫn còn một số trường điều kiện cơ sở vật chất đã xuống cấp, chật hẹp, khó sắp xếp bếp ăn theo nguyên tắc một chiều. Một số trường không có đủ diện tích để nấu tại trường. Vì vậy phải nấu ở nơi khác rồi vận chuyển đến trường nên khó kiểm soát được độ an toàn trong quá trình vận chuyển. Trong khi đó, nhà cung cấp chưa thực hiện đúng các cam kết về bảo đảm an toàn thực phẩm… Đây là những nguy cơ dễ dẫn đến mất an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường học.
Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn trường học, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, các cơ quan chức năng liên quan cần tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất bếp ăn trường học, các cơ sở cung ứng suất ăn sẵn cho học sinh, nguồn gốc thực phẩm được đưa vào bếp ăn trường học. Sở Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Mặt khác, yêu cầu ban giám hiệu các trường thực hiện nghiêm việc ký hợp đồng thực phẩm tại những đơn vị đủ cơ sở pháp lý; kiên quyết không hợp tác với đơn vị cung cấp suất ăn, cung cấp thực phẩm không an toàn.
Qua công tác kiểm tra, ông Trần Văn Chung cũng yêu cầu các bếp ăn trường học có sai phạm cần nghiêm túc khắc phục những tồn tại, bảo đảm không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm.
Bên cạnh đó, ông Trần Văn Chung cũng đề nghị ban chỉ đạo an toàn thực phẩm các quận, huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học. Thực hiện việc truy xuất nguồn gốc rõ ràng để kiểm soát tốt nguồn thực phẩm chất lượng cung cấp cho các trường học trên địa bàn.
Ngoài ra, đẩy mạnh công tác truyền thông đa dạng trên các phương tiện truyền thông đại chúng để học sinh, giáo viên, phụ huynh cùng chung tay chủ động thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.