Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xóa nỗi lo mất an toàn thực phẩm bếp ăn trường học

Xuân Lộc| 23/11/2022 07:14

(HNM) - Vụ việc hàng trăm học sinh Trường Hội nhập quốc tế iSchool Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) có dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm sau khi dùng bữa trưa tại trường, trong đó có 1 trẻ tử vong khiến các bậc phụ huynh thêm hoang mang, lo lắng. Để hạn chế các sự việc đáng tiếc xảy ra, bảo vệ sức khỏe của học sinh, đồng thời giúp phụ huynh yên tâm khi đưa trẻ đến trường, thời gian qua, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các bếp ăn bán trú trường học.

Đoàn liên ngành quận Nam Từ Liêm kiểm tra bếp ăn của một trường học trên địa bàn. Ảnh: Phương Thu

Tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất

Gần một tháng qua, đoàn kiểm tra liên ngành của Trung tâm Y tế và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chương Mỹ đã kiểm tra được 62 bếp ăn bán trú trường học, trong đó có 38 trường mầm non, 23 trường tiểu học và 1 trường trung học cơ sở.

Qua công tác kiểm tra, bác sĩ Trần Văn Kỳ, Trưởng khoa An toàn thực phẩm, Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ nhận xét, ý thức chấp hành và thực hiện các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể được cải thiện. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ chế biến thực phẩm của các trường có tiến bộ hơn năm trước. Khu vực bếp được sắp xếp theo nguyên tắc một chiều, tránh nhiễm chéo giữa thực phẩm sống và chín. Ngoài ra, các trường có đầy đủ hợp đồng mua bán thực phẩm đầu vào và hợp đồng trách nhiệm giữa nhà trường với các đơn vị công ty cung ứng; nhân viên được khám sức khỏe định kỳ, có kiến thức an toàn thực phẩm. Cụ thể, có 55/62 trường với tỷ lệ 89% có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; tỷ lệ nhân viên có kiến thức về an toàn thực phẩm đạt 91%; 93% cán bộ quản lý và nhân viên nấu ăn có giấy chứng nhận bảo đảm sức khỏe…

“Trong quá trình kiểm tra, khi phát hiện một số trường còn thiếu về hồ sơ pháp lý, các điều kiện về cơ sở vật chất, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ chế biến, nấu ăn chưa đạt, đoàn kiểm tra liên ngành đã yêu cầu đơn vị khắc phục, chấn chỉnh kịp thời. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ sức khỏe của trẻ trong các nhà trường”, bác sĩ Trần Văn Kỳ cho biết.       

Tương tự, trong năm học 2022-2023, quận Nam Từ Liêm có 100 trường học với tổng số hơn 84.000 học sinh, trong đó cấp mầm non có 50 trường; tiểu học có 26 trường; trung học cơ sở có 24 trường; 10 trung tâm học tập cộng đồng và 216 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập. Phó Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, với một lượng học sinh lớn như vậy, việc quản lý bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với chính quyền địa phương.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thu, cơ quan chức năng trên địa bàn quận thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát đột xuất việc cung cấp, chế biến suất ăn tại các trường học. Qua đó, các đoàn kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra hồ sơ hành chính, hồ sơ pháp lý của cơ sở, điều kiện an toàn thực phẩm, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm...; đồng thời tiến hành lấy các mẫu, như: Rau, thịt, tôm, cá… gửi đến Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để đánh giá chất lượng. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, quận đã đánh giá được thực trạng cũng như điều kiện của các trường, từ đó có biện pháp khắc phục để bảo đảm an toàn thực phẩm tốt nhất cho học sinh.

Không để xảy ra sự cố mất an toàn thực phẩm

Để thực hiện tốt các quy định bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm và phòng, chống ngộ độc tại bếp ăn tập thể trường học, theo bác sĩ Trần Văn Kỳ, Trưởng khoa An toàn thực phẩm, Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ, tại các cơ sở bếp ăn tập thể cần phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các ngành chức năng và ý thức tự giác chấp hành của chủ các cơ sở. Cùng với đó, nhằm chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm có hiệu quả trong thời gian tới, các trường học có bếp ăn bán trú cần chủ động thành lập tổ giám sát, bao gồm: Đại diện Ban Giám hiệu nhà trường, cán bộ y tế trường học, phụ huynh học sinh nhằm giám sát chặt chẽ nguồn cung ứng, thực phẩm đầu vào và kiểm tra đột xuất tại nhà bếp để cảnh báo nguy cơ, từ đó có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

“Các trường có bếp ăn bán trú cần phải cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ, tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, có sổ kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn theo quy định. Hằng năm, nhà trường phải gửi mẫu xét nghiệm nguồn nước phục vụ chế biến xem có bị ô nhiễm hay không… Đối với các ngành chức năng, tiếp tục phối hợp chặt chẽ liên ngành thanh tra, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện các điều kiện an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ thực phẩm và chất lượng thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, nhằm phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ để có biện pháp xử lý kịp thời, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm”, bác sĩ Trần Văn Kỳ cho biết thêm.

Không để xảy ra sự cố mất an toàn thực phẩm trong trường học, theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong, ngoài việc kiểm tra điều kiện thực tế tại các bếp ăn bán trú, thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm được đưa vào chế biến tại bếp ăn của các trường học. Chính vì vậy, nhiệm vụ của các quận, huyện, thị xã trong thời gian tới là cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra định kỳ và đột xuất, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm đầu vào tại các trường. Qua đó, thông báo công khai, minh bạch các đơn vị đạt tiêu chuẩn và các đơn vị không đạt tiêu chuẩn để các nhà trường lựa chọn nhà cung cấp, bảo đảm an toàn thực phẩm theo đúng quy định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xóa nỗi lo mất an toàn thực phẩm bếp ăn trường học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.