(HNM) - Bộ Công an vừa ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm của người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng yêu cầu các đơn vị liên quan sửa đổi luật theo hướng tăng nặng chế tài đối với người vi phạm. Một số ý kiến được Báo Hànộimới ghi nhận về vấn đề này đều khẳng định, những việc làm trên là cấp thiết!
Tăng chế tài đối với tài xế uống rượu, bia gây tai nạn giao thông là việc làm rất cần thiết. Ảnh: Độc Lập |
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội:
Cần thiết tăng chế tài xử lý hình sự
Theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với lỗi vô ý. Tuy nhiên, do chế tài xử lý hình sự với lỗi vô ý chưa đủ sức răn đe nên hành vi vi phạm vẫn có xu hướng gia tăng. Vì vậy, quan điểm của tôi là tăng chế tài, cụ thể là đưa vào hành vi nhóm lỗi cố ý gián tiếp theo Khoản 2 Điều 10 Bộ luật Hình sự năm 2015: "Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra". Như vậy, nếu hậu quả xảy ra đến đâu thì người điều khiển phương tiện sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng đến đó. Hậu quả gây thương tích từ 11% trở lên thì xem xét ở tội danh "cố ý gây thương tích", hoặc gây ra chết người thì xử lý theo tội danh "giết người".
PGS.TS Nguyễn Đức Chính, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức:
Xem xét sửa đổi quy định thời điểm kiểm tra nồng độ cồn trong máu
Tính trung bình, mỗi ngày có 300 bệnh nhân bị tai nạn thương tích đến cấp cứu ở Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Trong đó, ngày cao điểm có tới 150 bệnh nhân bị tai nạn giao thông. Nhiều bệnh nhân bị cấp cứu trong tình trạng còn nồng nặc mùi rượu, bia. Một điều đáng bàn là có tình trạng bệnh nhân bị tai nạn giao thông đến cấp cứu tại bệnh viện đã qua 2 ngày mới có cơ quan điều tra đến làm thủ tục xét nghiệm nồng độ cồn. Tôi đã nhiều lần góp ý rằng, các cơ sở y tế tại hiện trường cần thực hiện lấy mẫu máu ngay để gửi về bệnh viện xét nghiệm nồng độ cồn.
Bởi, có những bệnh nhân bị tai nạn ở tỉnh khác, thời gian di chuyển về Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức có thể kéo dài quá 6 tiếng thì máu bị chuyển hóa hoặc quá 12 tiếng thì nồng độ cồn trong máu đã hết, không thể cung cấp bằng chứng chính xác để phục vụ công tác điều tra. Tôi cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần xem xét quy định chỉ cần trong máu có nồng độ cồn dù thấp là đủ xác định người điều khiển giao thông có sử dụng chất kích thích chứ không nên đưa ra quy định phải có bao nhiêu lượng cồn trong máu (mg/dl) thì mới bị truy cứu trách nhiệm. Có như vậy, chúng ta mới kiểm soát và răn đe được các đối tượng gây ra tai nạn giao thông bởi nguyên nhân từ uống rượu, bia.
Ông Nguyễn Thanh Bình, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai:
Hãy từ bỏ thói quen ép rượu, bia!
Tôi là lái xe đường dài nhiều năm nên đã chứng kiến những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do tài xế sử dụng rượu, bia trước khi lái xe. Thói quen của người Việt khi ngồi xuống mâm cỗ là chúc tụng, ép nhau uống rượu, bia. Đã đến lúc cần từ bỏ thói quen "ép uống" này.
Từ các kênh thông tin đại chúng, tôi được biết, mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ nghiên cứu tăng mức xử phạt người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép; đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan sửa đổi luật (Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt - PV), nghiên cứu tăng mức xử phạt so với quy định hiện nay. Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất này, bởi nếu có nồng độ cồn khi lái xe, tai nạn là nguy cơ nhãn tiền.
Anh Đỗ Mạnh Trường, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân:
"Đã uống rượu bia, không được lái xe"
Mấy ngày qua, dư luận vô cùng phẫn nộ trước hành vi lái xe say rượu, bia gây tai nạn giao thông, cướp đi sinh mạng của nhiều người dân vô tội. Chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ thông điệp: "Say xỉn lái xe là tội ác", "Đã uống rượu bia, không được lái xe"… Đã đến lúc, chúng ta cần lên án mạnh mẽ hành vi này. Tôi mong muốn các cơ quan chức năng hãy thực hiện ngay theo đúng tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình là các đơn vị liên quan phải xử lý nghiêm, sửa luật để phạt nặng, tước bằng lái vĩnh viễn với người vi phạm. Và hơn nữa, tôi hy vọng người dân Hà Nội cùng chung tay xây dựng văn hóa giao thông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.