(HNM) - Thời gian qua, có nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả rất nghiêm trọng, thương tâm mà nguyên nhân xuất phát từ những lái xe không làm chủ tốc độ do uống bia, rượu. Các phương tiện truyền thông đã liên tục cảnh báo, cơ quan chức năng cũng siết chặt hơn việc kiểm tra và xử phạt lái xe vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều trường hợp bất chấp quy định, cố tình lái xe sau khi uống rượu, bia đòi hỏi cơ quan chức năng tiếp tục xử lý nghiêm vi phạm.
Bất chấp quy định, "ma men" vẫn lái xe
Sau khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020, các hành vi lái xe sau khi uống rượu, bia đã giảm nhiều. Tuy nhiên, sau đó một thời gian vi phạm vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Điển hình là chiều 8-6, theo chân cùng tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 4, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố) tại ngã tư Thanh Nhàn - Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng), phóng viên ghi nhận người điều khiển xe máy biển kiểm soát 29D1-901.69 khi bị lực lượng chức năng kiểm tra đã vi phạm nồng độ cồn ở mức hơn 0,2mg/lít khí thở, lái xe đã bỏ lại phương tiện vi phạm, bắt xe ôm công nghệ bỏ đi. Thiếu tá Nguyễn Thanh Hà, Đội Cảnh sát giao thông số 4 cho biết, với trường hợp vi phạm như trên tổ công tác sẽ mời nhân chứng tới làm việc, lái xe sẽ phải chấp nhận xử phạt kịch khung theo luật định.
Tương tự, theo Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 1, từ đầu tháng 6 đến nay đơn vị ghi nhận trường hợp anh Mai Thanh N. (ở thị xã Phước Long, Bình Phước) điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn cao, trên 0,5mg/lít (vượt mức xử phạt kịch khung 0,4mg/ lít khí thở). Trong quá trình lực lượng chức năng lập biên bản, anh N. đã tự ý rời khỏi trụ sở. Đến khi được giải thích rõ về lỗi vi phạm, yêu cầu về ký biên bản, anh N. đã to tiếng, thái độ vùng vằng, vò nát các biên bản đã ký.
Khảo sát tại các quán bia hơi, nhà hàng trên địa bàn Hà Nội cho thấy, tình trạng người dân đã uống rượu, bia vẫn lái xe diễn ra khá phổ biến. Ghi nhận trưa 10-6 tại quán bia hơi Hải Xồm, số 45 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy), hàng chục chiếc xe máy xếp thành hàng dài. Những tiếng hô vang chúc tụng nhau khiến quán bia thêm phần náo nhiệt. Theo quan sát, rất ít thực khách sau khi uống say có ý thức gọi taxi, xe ôm hay gọi người nhà đến đón về mà chủ yếu tự điều khiển xe máy, ô tô. Khảo sát thêm ở nhà hàng bia hơi Thu Hằng, phố Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy); các quán ăn, bia hơi ở phố Nguyễn Văn Lộc (quận Hà Đông); Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng); Thành Công (quận Ba Đình)… cũng trong cảnh tương tự.
Kiên quyết xử lý vi phạm
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Công an, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, hằng ngày, các tổ công tác kiểm tra vi phạm nồng độ cồn phụ trách địa bàn thuộc Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) vẫn thực hiện tuần tra theo đúng kế hoạch. Thiếu tá Phạm Minh Quân, Tổ trưởng Tổ xử lý nồng độ cồn, Đội Cảnh sát giao thông số 14 cho biết, địa bàn quận Hoàng Mai có mật độ dân cư đông nên đội thường xuyên lập chốt tại các điểm “nóng” để kiểm tra nồng độ cồn. Quá trình làm việc đã ghi nhận nhiều trường hợp người tham gia giao thông có nồng độ cồn vượt quá quy định. Bên cạnh việc cắm chốt xử lý, đội thực hiện phương án bảo đảm an toàn cho người dân lưu thông trên đường và ngăn ngừa tình trạng lái xe say xỉn quay đầu bỏ chạy khi thấy tổ công tác.
Về vấn đề này, Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông cho biết: "Khi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, đơn vị đã đưa chuyên đề xử lý người điều khiển phương tiện sử dụng các chất gây nghiện và nồng độ cồn là kế hoạch thường niên, xuyên suốt hằng năm, không bị động theo thời điểm. Chúng tôi đánh giá rằng, đây là một trong những hành vi mà khi người điều khiển mắc phải thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng nên cần xử lý nghiêm”.
Còn Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội tuyên truyền và giải quyết tai nạn (Phòng Cảnh sát giao thông) thông tin, khi xử lý vi phạm lỗi về nồng độ cồn, trường hợp người vi phạm không được tỉnh táo do tác động mạnh của rượu, bia thì sẽ có nhiều hành động chống đối như to tiếng, không chấp hành hiệu lệnh, không ký biên bản… Tuy vậy, lực lượng chức năng vẫn kiên quyết xử lý đúng quy định của pháp luật với mục tiêu góp phần giảm nguy cơ, kéo giảm tai nạn giao thông.
Để tạo chuyển biến về ý thức của người dân khi tham gia giao thông trên địa bàn thành phố, từ nay đến hết năm 2022, Phòng Cảnh sát giao thông chỉ đạo các tổ chuyên đề, tổ công tác 141 và các đội Cảnh sát giao thông địa bàn sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát khép kín các khung giờ. Đặc biệt, việc xử lý không có "vùng cấm" nhằm mục tiêu góp phần kiềm chế, giảm tai nạn giao thông do vi phạm nồng độ cồn, ma túy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.