Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tận tình chăm sóc người có công

Minh Ngọc| 29/06/2017 06:39

(HNM) - Chăm sóc thương binh nặng như người thân, ứng xử với người có công cởi mở, thân tình, hiếu kính như con cháu đối với ông bà, cha mẹ là phương châm hoạt động của đội ngũ cán bộ Trung tâm Điều dưỡng người có công số II đóng tại phường Biên Giang (quận Hà Đông).


Ngôi nhà chung của thương, bệnh binh nặng

Thành lập năm 1992, Trung tâm Điều dưỡng người có công số II thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh nặng và điều dưỡng luân phiên người có công. Hiện nay, Trung tâm đang phục vụ, chăm sóc lâu dài 4 thương binh, bệnh binh nặng. Mỗi người một quê, một hoàn cảnh và dù ở hoàn cảnh nào Trung tâm cũng là ngôi nhà thân thương của các thương binh, bệnh binh.

Người có công được chăm sóc sức khỏe tại Trung tâm Điều dưỡng người có công số II.


Trong căn phòng rộng khoảng 30m2, được trang bị đầy đủ vật dụng sinh hoạt, bệnh binh Lê Văn Tý (sinh năm 1960), trú tại thôn Lê Xá, xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) cho biết, ông bị thương nặng trong chiến tranh biên giới phía Bắc. Một chân phải cắt bỏ, chân còn lại bị teo, đường tiêu hóa hoạt động không bình thường, khiến mọi sinh hoạt hằng ngày của ông Tý phải có người giúp đỡ. “Sống tại Trung tâm từ ngày đầu thành lập đến nay, tôi coi đây như nhà của mình. Cán bộ, y, bác sĩ như những người thân trong gia đình...” - bệnh binh Lê Văn Tý bày tỏ.

“Hàng xóm” của bệnh binh Lê Văn Tý là thương binh 1/4 Hoàng Quốc Hùng (sinh năm 1958), Nguyễn Thành Đô (sinh năm 1962) quê ở huyện Thanh Trì; Nguyễn Đăng Đức (sinh năm 1958) quê ở phường Đức Giang (quận Long Biên). Họ đều bị thương trong chiến tranh biên giới với tình trạng thương tật từ 81 đến 93%, phải nằm một chỗ kèm theo nhiều chứng bệnh nguy hiểm khác.

Cùng với những người vợ hiền, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ Trung tâm túc trực chăm sóc các thương binh 24/24 giờ. Bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, ngày thường hay ngày nghỉ, hễ nhận được điện thoại phản ánh tình trạng sức khỏe thương binh xấu đi, đội ngũ cán bộ y tế đều có mặt chăm sóc kịp thời.

“Chứng kiến những cơn đau các anh phải trải qua, chúng tôi hiểu hơn ai hết nỗi đau chiến tranh để lại. Chúng tôi luôn cố gắng hết sức mình giúp các anh xoa dịu vết thương” - bác sĩ Nguyễn Thanh Hiếu, Trưởng phòng Y tế của Trung tâm chia sẻ.

Gắn bó với các thương binh, bệnh binh nhiều năm, nhiều cán bộ Trung tâm Điều dưỡng người có công số II nhớ rõ ngày sinh nhật, sở thích cá nhân, hoàn cảnh từng gia đình. “Nhìn những tấm gương về nghị lực sống và đức hy sinh, chúng tôi học hỏi được nhiều điều” - ông Nguyễn Văn Triệu, Giám đốc Trung tâm tâm sự.

Chăm sóc người có công như người thân

Cùng với việc nuôi dưỡng lâu dài thương binh, bệnh binh, Trung tâm còn thực hiện điều dưỡng luân phiên người có công của các quận: Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm và các huyện: Đan Phượng, Sóc Sơn, Thạch Thất, với hơn 2.000 lượt người/năm.

Để người có công được chăm sóc tốt nhất, Trung tâm thường xuyên đổi mới, bổ sung, hoàn thiện quy trình tổ chức, hoạt động. Trước mỗi đợt thực hiện điều dưỡng, Trung tâm cử cán bộ về các quận, huyện, phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương tổ chức đưa, đón người có công. Khi người có công đến Trung tâm, toàn bộ đội ngũ cán bộ ra tiếp đón với thái độ ân cần, niềm nở và tôn kính. Thời gian điều dưỡng tại Trung tâm, người có công được khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn tập thể dục trong phòng tập với các trang thiết bị, máy móc hiện đại, phù hợp.

Trong mọi sinh hoạt, người có công được chăm sóc chu đáo từ những việc rất nhỏ. Chẳng hạn như khăn mặt, bàn chải đánh răng được Trung tâm trang bị khác màu để các cụ cao tuổi không bị nhầm lẫn; những người thân thiết với nhau được bố trí ở cùng phòng; món ăn được chuẩn bị theo sở thích và phù hợp với tình trạng sức khỏe của từng người.

Trước mỗi bữa ăn, cán bộ Trung tâm đến từng mâm mời cơm và lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý để kịp thời khắc phục, điều chỉnh những vấn đề còn tồn tại. Trung tâm cũng thường xuyên tổ chức các cuộc giao lưu văn nghệ, thể thao, nói chuyện thời sự, đưa người có công đi tham quan, tìm hiểu các địa danh lịch sử, văn hóa… Kết thúc mỗi đợt điều dưỡng, Trung tâm đều mời các đoàn nghệ thuật về biểu diễn phục vụ người có công, tổng kết và trao thưởng cho người có công giành giải trong chương trình giao lưu, thi đấu thể thao, biểu diễn văn nghệ.

Điều dưỡng tại Trung tâm tháng 4 vừa qua, thương binh hạng 2/4 Lê Hữu Bật, xã Bình Yên (Thạch Thất) cho biết: “Chúng tôi rất cảm động khi được đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ chăm sóc toàn diện, phục vụ tận tình, đối xử tôn kính như con cháu đối xử với ông bà, cha mẹ trong gia đình”.

Niềm vui, sự hài lòng của người có công trong quá trình điều dưỡng là thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động của Trung tâm Điều dưỡng người có công số II. Ông Nguyễn Văn Triệu cho biết: “Người có công và gia đình của họ đã cống hiến, hy sinh cả tính mạng, sức khỏe, tuổi thanh xuân vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. May mắn được sống trong hòa bình, hạnh phúc, chúng tôi sẽ cố gắng chăm sóc người có công tốt nhất, góp phần bù đắp phần nào đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tận tình chăm sóc người có công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.