Hiện nay, xuất hiện sinh vật gây hại trên lúa như: Chuột, ốc bươu, đạo ôn lá, bọ trĩ...
Ngày 22-3, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, lúa xuân sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, đang xuất hiện sinh vật gây hại trên lúa: Chuột hại cục bộ trên các trà lúa, tỷ lệ trung bình 1-3% số dảnh, tỷ lệ cao 5-7% số dảnh, cục bộ 10-15% số dảnh. Ốc bươu vàng gây hại cục bộ trên trà lúa muộn, mật độ trung bình 1-2 con/m2, mật độ cao 4-6 con/m2, cục bộ 20-30 con/m2. Bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại, tỷ lệ trung bình 1-2% lá, tỷ lệ cao 3-5% lá, phổ biến bệnh cấp 1 trên giống J02, nếp thơm… Ngoài ra, xuất hiện bọ trĩ, bệnh nghẹt rễ gây hại nhẹ.
Dự báo, thời gian tới, thời tiết tiếp tục ấm, ẩm xen kẽ đợt không khí lạnh, thuận lợi cho một số đối tượng sinh vật phát sinh, gây hại. Chuột tiếp tục gây hại trên các trà lúa, đặc biệt trên những diện tích ven làng, gò đống, gần trang trại chuyển đổi đa canh... Ốc bươu vàng tiếp tục gây hại cục bộ trên trà lúa cấy muộn giai đoạn đẻ nhánh. Bệnh đạo ôn tiếp tục phát sinh, gây hại tăng trên giống nhiễm (J02, nếp thơm, TBR, Thiên ưu…), ổ bệnh cũ các vụ trước, năm trước. Ngoài ra, sâu đục thân, rầy, bệnh đốm sọc – bạc lá, bệnh khô vằn… có thể phát sinh gây hại từ trung tuần tháng 4-2023.
Để phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo nông dân cần tập trung chăm sóc lúa kết hợp bón phân cân đối, đúng thời điểm để lúa sinh trưởng phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh; tăng cường công tác điều tra phát hiện, nắm chắc diễn biến, phát sinh và mức độ gây hại của bệnh đạo ôn lá; chủ động phòng trừ trên những diện tích có tỷ lệ bệnh hại ≥10% số lá; lưu ý trên các giống nhiễm, ổ dịch cũ, diện tích bón thừa đạm; tiếp tục theo dõi và chủ động phòng trừ chuột bằng các biện pháp tổng hợp, ưu tiên sử dụng bẫy bán nguyệt để nâng cao hiệu quả...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.