(HNM) - Một tuần sau lễ nhậm chức, tân Thủ tướng Anh Theresa May đã có chuyến công du chớp nhoáng tới Châu Âu và Đức là điểm đến đầu tiên. Người đứng đầu nội các Anh đã gặp Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel trong ngày 20-7.
Sau đó, ngày 21-7, bà T.May đến Paris, đàm phán với Tổng thống Pháp Francois Hollande. Đây được xem là nỗ lực không chỉ nhằm tìm kiếm sự ủng hộ từ các đồng minh "truyền thống" giàu quyền lực tại Liên minh Châu Âu (EU) mà còn tạo tiền đề cho cuộc thương lượng được xem là “chưa từng có” sau khi nước Anh quyết định rời khỏi liên minh này.
Tân Thủ tướng Anh T.May (phải) gặp người đồng cấp của Đức A.Merkel. |
Với mục tiêu giảm số người nhập cư từ 27 quốc gia thành viên Châu Âu tới Anh và giữ được cánh cửa thị trường EU luôn rộng mở, không có gì lạ khi bà T.May tuyên bố: “Chuyến thăm sẽ là cơ hội để tiến tới xây dựng mối quan hệ bền vững và cùng phát triển với các nước dẫn đầu EU trong thời gian tới”.
Dù cho rằng nước Anh cần thêm thời gian để chuẩn bị cho quá trình đàm phán trước khi thực sự rời khỏi EU, nhưng Thủ tướng Đức A.Merkel đã cho biết: Cả người Anh cũng như các quốc gia thành viên EU đều không muốn kéo dài "tình trạng lấp lửng" như hiện nay. Nhà lãnh đạo nền kinh tế số một Châu Âu cũng tái khẳng định sẽ không có cuộc đàm phán chính thức nào về các điều khoản “hậu Brexit” trước khi London vận dụng Điều 50 của Hiệp ước Lisbon để hoàn tất thủ tục “xuất cảnh”. Tuy nhiên, những thỏa thuận mang tính mở đường cũng được xem là cấp thiết vào lúc này. Theo Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ đàm phán Brexit, các bên cũng cần chú trọng giải quyết - hoặc ít nhất là giảm thiểu - những mâu thuẫn đang tồn tại trong EU (gồm cả Anh). Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với hàng loạt khủng hoảng.
Dù thế nào đi nữa, nước Anh cũng sẽ phải đối mặt với thái độ có phần lạnh lùng của các thành viên còn lại trong EU. Thực tế, dù được người tiền nhiệm D.Cameron nhận xét là có quan điểm cực kỳ cứng rắn, Thủ tướng T.May cũng sẽ phải tìm ra tiếng nói chung từ bà A.Merkel - người từng tuyên bố thẳng thừng rằng nước Anh sẽ không thể vô tư chọn lựa những quyền lợi mong muốn một khi đã rời khỏi EU.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng nhấn mạnh rằng: Nước Anh hoặc “tuân thủ các quy định của EU” hoặc sẽ phải gánh chịu hậu quả. Thực tế, ở thời điểm này, hầu hết các nhà lãnh đạo EU chưa cho thấy họ sẽ chào đón nước Anh trong một tâm thế mới. Vì thế, nữ Thủ tướng mới của đảo quốc Sương mù cũng chỉ có thể hy vọng chuyến "ra mắt" sẽ giúp cho những đàm phán trong tương lai trở nên “dễ thở” hơn. Bởi lẽ, không quá khó để thấy rằng Đức và Pháp - mà cụ thể là Thủ tướng A.Merkel và Tổng thống F.Hollande - sẽ là những nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp tới thái độ của cả EU với Anh. Và để có "tiếng nói chung" là nhiệm vụ không dễ dàng gì với tân Thủ tướng Anh T.May.
Tuy nhiên, cùng những quan điểm cứng rắn nêu trên là một thái độ “cởi mở” của cả hai bên. Thủ tướng Đức A.Merkel đã sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với Anh - quốc gia được mô tả là “rất có kinh nghiệm trong kỹ năng ngoại giao”. “Những cuộc đàm phán với Chính phủ Anh đều hết sức căng thẳng nhưng cũng tràn ngập thú vị và những chiến thuật hết sức thông minh. Thậm chí kể cả khi phải đối chọi bằng các chiến lược đàm phán của mỗi bên, chúng tôi vẫn cố gắng để có được những thỏa hiệp nhất định - điều đó luôn hết sức thú vị” - bà A.Merkel chia sẻ trong cuộc gặp chính thức vừa diễn ra tại Berlin với người đồng cấp đến từ nước Anh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.