Theo France24 ngày 4-6, Đảng Bảo thủ cầm quyền công bố kế hoạch giới hạn mới hằng năm về thị thực làm việc và gia đình nhằm cắt giảm nhập cư sau khi phe đối lập đưa ra kế hoạch tranh cử quan trọng.
Kế hoạch do Thủ tướng Rishi Sunak đưa ra, sẽ liên quan đến giới hạn mới về số lượng thị thực do Quốc hội Anh quy định mỗi năm.
Nhập cư là một chủ đề gây nhiều tranh cãi trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 7 tới, với mức di cư ròng tăng vọt lên 685.000 người vào năm ngoái, một con số mà cả đảng Bảo thủ và Công đảng đều cho là quá cao.
Cuối tuần qua, ông Keir Starmer - lãnh đạo Công đảng đã đặt ra kế hoạch của đảng này nhằm cắt giảm tình trạng di cư thường xuyên bằng cách cấm doanh nghiệp vi phạm luật lao động đưa lao động nước ngoài đến Anh và yêu cầu người sử dụng lao động ưu tiên đào tạo người Anh trước tiên.
Với cuộc tranh luận trực tiếp diễn ra vào hôm nay (4-6, giờ địa phương), ông Starmer và Thủ tướng Sunak sẽ lần đầu tiên tranh luận về các vấn đề quan trọng trong chiến dịch tranh cử của họ.
Ông Sunak cho biết trong một tuyên bố: “Chúng ta đã có hành động táo bạo để cắt giảm số lượng người đến Anh. Kế hoạch đang có hiệu quả nhưng mức độ di cư vẫn quá cao". Vì vậy, đảng Bảo thủ sẵn sàng thực hiện hành động cần thiết để giảm số người nhập cư.
Giới hạn hằng năm sẽ được giảm dần để giảm số lượng người di cư, nhưng không ảnh hưởng đến sinh viên nước ngoài và người lao động thời vụ.
Theo thống kê chính thức, hơn 300.000 thị thực làm việc đã được cấp trong năm kết thúc vào tháng 3-2024, cao hơn gấp đôi số lượng được cấp vào năm 2019. Đảng cầm quyền đã đưa ra các quy định mới trong năm nay nhằm mục tiêu giảm nhập cư thường xuyên, bao gồm cấm sinh viên quốc tế và nhân viên chăm sóc xã hội mang theo người phụ thuộc và tăng mức lương tối thiểu cho thị thực lao động có tay nghề.
Các quy định thắt chặt dẫn đến sự sụt giảm lớn về số lượng đơn xin thị thực chăm sóc sức khỏe và xã hội trong tháng 5 khiến các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc cảnh báo lĩnh vực này đang thiếu hàng chục nghìn nhân sự.
Chính phủ cũng đã nhắm mục tiêu vào tình trạng di cư bất thường thông qua kế hoạch gửi những người xin tị nạn không thành công đến Rwanda, điều mà ông Sunak thừa nhận sẽ không được thực hiện trước cuộc bầu cử.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.