(HNMO) - Chúng ta hiện sống trong thời kỳ mà các thế lực đen tối mang danh chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bè phái tôn giáo đang “lèo lái” nền chính trị thế giới, thúc đẩy chủ nghĩa dân túy bài ngoại một cách thô bạo. Đây là những điều chúng ta chưa từng thấy kể từ những năm 1930.
Sự hỗn loạn hắc ám đang lan tỏa khắp thế giới này. Donald Trump nhắc đến “nó” tại đại hội đảng Cộng hòa ở Cleveland. Nhà nước Hồi giáo (IS) gieo “nó” ở Nice, Brussels, Paris, Orlando với hàng loạt vụ khủng bố đẫm máu. Anh đắm chìm trong “nó” với Brexit, trong khi EU vật lộn để ngăn chặn “nó” trong bối cảnh khủng hoảng nhập cư và chính trị gia tăng. Ukraine và Syria bị “nó” xâu xé, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng trở nên mong manh sau cuộc đảo chính thất bại.
Chúng ta đang sống trong "thời kỳ chuyển tiếp"
Ngày nay Nhà nước Hồi giáo (IS) đã trở thành một thế lưc không thể phủ nhận, chúng gây ra hàng loạt tội ác và đe dọa an ninh toàn cầu. |
Nếu phải dùng một phép ẩn dụ để mô tả sự hỗn loạn này của thế giới, thì có lẽ rằng chúng ta đang ở trong một “thời kỳ chuyển tiếp”.
Trật tự thế giới tương đối ổn định – “Nền hòa bình lâu dài” (mà nhà tâm lý học Steven Pinker từng mô tả trong cuốn “Những thiên thần tốt đẹp của tạo hóa chúng ta”) – đã tồn tại kể từ năm 1945.
Tuy nhiên, hiện nay thế giới đang bước sang một giai đoạn mới tái cấu trúc trật tự các quốc gia và ý thức hệ. Mặc dù không thể dự đoán được, nhưng chắc chắn nó sẽ rất khác so với những gì chúng ta từng biết.
Cái gọi là “thời kỳ chuyển tiếp” mà chúng ta đang bước vào có thể sẽ vô cùng hỗn loạn, mang tính hủy diệt và bạo lực đến mức không một ai sinh ra sau năm 1945 ở các nước phát triển có thể hình dung được.
Các cuộc chiến lớn của thế giới sẽ không còn giống như hồi cuối thế kỷ XX – đấu tranh giữa đông và tây, giữa cộng sản và tư bản chủ nghĩa. Chúng ta hiện sống trong thời kỳ mà các thế lực đen tối mang danh chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bè phái tôn giáo đang “lèo lái” nền chính trị thế giới, thúc đẩy chủ nghĩa dân túy bài ngoại một cách thô bạo. Đây là những điều chúng ta chưa từng thấy kể từ những năm 1930.
Donald Trump là một ví dụ hết sức sinh động cho thực tế đó. Nhưng chúng ta còn nhìn thấy điều này ở khắp mọi nơi trong các nền dân chủ - từ Đức cho tới Đan Mạch, Anh, Pháp, Hy Lạp và thậm chí Australia. Chủ nghĩa túy bài ngoại và những thù ghét đó đang thay thế những quan niệm truyền thống về an ninh tập thể, lợi ích chung hay trách nhiệm đạo đức (như khi cần phải cưu mang cho những người tị nạn).
Internet – Nhân tố bất ổn
Internet – mạng lưới truyền thông kỹ thuật số đã tạo ra cho con người cơ hội tiếp cận với mọi thông tin diễn ra trên khắp thế giới, liên lạc với bất kỳ ai ở bất cứ đâu chỉ với một chiếc máy tính nối mạng.
Hệ quả là, chúng ta bước vào một thế giới với những quốc gia giàu có nhưng lại dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết, Mỹ hay châu Âu có thể bị khủng bố bất cứ lúc nào. Một thế giới mà chính sách của một quốc gia bị chi phối bởi thứ sức mạnh đến từ những lời bình luận, những câu chuyện kể, những hình ảnh được chụp và được chia sẻ trên mạng xã hội.
Không một ai nghi ngờ về mục đích nhân đạo trong quyết định của Thủ tướng Đức Angela Merkel về việc mở cửa tiếp nhận hàng triệu người tị nạn từ Trung Đông. Một trong những điều thúc đẩy chính sách này, chính là sự phủ sóng thông tin về những người dân Trung Đông khốn khổ - biết bao đoàn người chết đuối giữa biển Địa Trung Hải, những bức ảnh trẻ em nằm chết trên các bãi biển du lịch châu Âu.
Nhưng hệ quả là, không chỉ dấy lên làn sóng phản đối người nhập cư, chính sách này còn tăng cường ảnh hưởng của đảng cánh hữu AfD ở Đức cũng như các đảng bài ngoại khác ở Pháp, Italia, Hà Lan; gián tiếp gây chia rẽ nội khối Liên minh châu Âu (EU); và cuối cùng bị đánh giá là một quyết định thiếu cân nhắc xuất phát từ những ảnh hưởng khuếch đại của tin tức và truyền thông xã hội.
Mạng xã hội đăng tải và chia sẻ rất nhiều bức ảnh về người tị nạn từ Trung Đông. |
Mặc dù mang đến những lợi ích to lớn cho con người và xã hội trên toàn thế giới, mạng kỹ thuật số đã tạo ra những thách thức không nhỏ cho an ninh và sự quản trị của các quốc gia.
Internet giúp cho quản trị nhà nước minh bạch hơn, nhưng nó cũng tạo ra WikiLeaks, những tiết lộ của Edward Snowden hay hồ sơ Panama. Trong một thế giới mà thông tin về tất cả mọi thứ - cả tốt lẫn xấu, thật lẫn giả, - đều truyền đi nhanh, xa và ít được kiểm duyệt hơn bao giờ hết, thì việc điều hành đất nước của các chính phủ lực là vô cùng khó khăn.
Nỗi sợ hãi biến thành căn bệnh lây nhiễm
Môi trường truyền thông ngày nay có thể khiến sức ảnh hưởng của những sự kiện đơn lẻ lan tỏa trên toàn cầu. Vô hình chung nó trở thành một cách thức hiệu quả để phổ biến sự lo lắng, hoảng loạn và sợ hãi.
Donald Trump hiểu điều này, và có lẽ bởi vậy mà nhà tỷ phú đã tận dụng Twitter hiệu quả theo cách mà chưa một ứng viên tổng thống nào làm được trước đó. Ông ta có thể “chọc tức” các cử tri của mình chỉ bằng các giải pháp quá đỗi đơn giản và độc đoán cho những vấn đề xã hội phức tạp như nhập cư bất hợp pháp hay khủng bố toàn cầu.
IS, cũng như trước đó là al-Qaeda, hiểu điều này. Video John “thánh chiến” chặt đầu những nhà báo người Mỹ, Nhật Bản đã được đăng tải và chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, trở thành thứ vũ khí tra tấn tâm lý, thứ virus tàn bạo lây lan rộng rãi.
Một số người Anh nói rằng họ ủng hộ Brexit bởi họ đã xem hay nghe nói về những video như vậy. Họ tin rằng họ có thể được cách ly khỏi thế giới Hồi giáo bằng cách từ chối chủ nghĩa nhân đạo của Merkel và đóng cánh cửa của nước Anh với thế giới.
Có phải thế giới của chúng ta lên tới đỉnh điểm của sự hỗn loạn? Có phải đã quá muộn để ngăn chặn vòng xoáy của chủ nghĩa dân túy bạo lực, hận thù sắc tộc và sự độc đoán từng là nguyên nhân gây ra Thế chiến II.
Không ai trả lời được câu hỏi đó. Bởi vì đỉnh điểm của sự hỗn loạn là phi tuyến tính và không thể dự đoán trước được. Không thể nói được nguyên nhân chính xác của hỗn loạn và càng không thể biết được hệ quả của nó.
Ngày nay, vai trò ngày càng tăng của truyền thông số là không thể phủ nhận, nhưng những hệ lụy tiêu cực của nó là không thể tránh khỏi. Tác động của nó đối với chính trị lại càng không thể đo đếm, khi “Mùa xuân Ả rập” đã không thể nào mang đến mùa xuân cho Trung Đông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.