(HNM) - Theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt, tại Điểm tiểu thủ công nghiệp (TTCN) làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông), trong khu vực đất sản xuất làng nghề có 4 lô thì chỉ có lô đất cung ứng vật liệu, thu gom và giới thiệu sản phẩm được xây 3 tầng;
Khu vực chỉ được xây 1 tầng nhưng một số hộ đã "lách luật" xây thêm một tầng lửng. |
Nhiều hộ dân có đất trong Điểm TTCN làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cho rằng quy hoạch như vậy là thiếu công bằng, vì nhu cầu sử dụng đất của các hộ dân làm nghề rất lớn, việc đóng góp tiền thuê đất, tiền xây dựng hạ tầng… như nhau, tại sao nơi được xây 3 tầng, nơi lại chỉ được xây 1 tầng? Hơn nữa, ngay trong Điểm TTCN làng nghề dệt lụa Vạn Phúc vẫn có lô đất được xây dựng công trình cao hơn chục tầng (?).
Được biết, năm 2012 UBND phường Vạn Phúc tổ chức chia đất tại thực địa cho 261 nhóm hộ, tương đương với 261 lô đất tại Điểm TTCN làng nghề dệt lụa Vạn Phúc với tổng diện tích trên 10ha. Theo báo cáo của UBND phường Vạn Phúc, sau khi giao đất, mặc dù hạ tầng chưa hoàn thiện nhưng do nhu cầu mở rộng mặt bằng sản xuất, kinh doanh, một số hộ đã xây dựng công trình. Tuy nhiên, vừa bắt tay triển khai xây dựng đã nảy sinh nhiều bất cập, gây khó khăn trong công tác quản lý trật tự xây dựng (TTXD). Bất cập nảy sinh từ việc trong Điểm TTCN làng nghề dệt lụa Vạn Phúc chỉ có lô đất cung ứng vật tư, thu gom và giới thiệu sản phẩm được xây 3 tầng, các lô đất còn lại gồm đất hộ sản xuất dệt may; đất sản xuất cơ khí, mộc; đất chuội nhôm, sản xuất ni lon thì chỉ được xây 1 tầng. Theo đa số các hộ dân có đất tại Điểm TTCN làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, việc quy hoạch như vậy đã gây nên sự thiếu công bằng trong xây dựng. Ông Phạm Khắc Hà, đại diện một nhóm hộ (6 hộ) có diện tích 200m2 đất cho biết, hiện tại nhu cầu sử dụng đất của các hộ làm nghề rất lớn, nếu khu đất hộ sản xuất dệt may chỉ được xây 1 tầng sẽ rất lãng phí đất vì hệ thống máy dệt lụa rất nhẹ, có thể sản xuất ở trên cao. Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đề nghị UBND thành phố cho phép điều chỉnh tầng cao xây dựng tại các lô đất thuộc Điểm TTCN làng nghề dệt lụa Vạn Phúc từ 1 tầng lên 3 tầng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của nhân dân, thúc đẩy làng nghề phát triển.
Tìm hiểu được biết, theo chỉ tiêu quy hoạch, khu vực đất hộ sản xuất dệt may; đất sản xuất cơ khí, mộc; đất chuội nhôm, sản xuất ni lon chỉ được xây 1 tầng nhưng một số hộ đã "lách luật" xây dựng nâng tầng từ 1 thành 2 tầng (gồm 1 tầng chính và một tầng lửng hoặc gác xép - PV), song vẫn bảo đảm đúng chiều cao quy định. Một số hộ dân tại đây cho biết, quy định tại các khu vực hộ sản xuất dệt may được xây 1 tầng gây rất nhiều khó khăn cho các hộ làm nghề. Bởi, đặc thù của nghề dệt là phải lắp đặt hệ thống máy dệt, phải có chỗ ở để trông nom nhà xưởng, điều này gây khó khăn cho những hộ có diện tích nhỏ (khoảng 35-40m2/hộ). Nếu xây 1 tầng thì chỉ đủ để đặt một máy dệt nên quá chật chội, lãng phí đất. Chính điều này đã dẫn đến việc người dân "lách luật" khi xây dựng nhằm có thêm mặt bằng sử dụng, việc người dân "lách luật" trong xây dựng như trên gây khó khăn cho công tác quản lý TTXD tại địa phương.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc cho biết, tại Điểm TTCN làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, hầu hết các hộ đã xây dựng đều có giấy phép, bảo đảm đúng chiều cao theo quy định. Tuy nhiên, tại các khu vực chỉ được xây dựng 1 tầng vẫn có một số hộ xây dựng nhà xưởng kết hợp với nhà ở. Lý giải điều này bà Hà cho biết thêm, Vạn Phúc là một trong những phường đông dân, đất đai chật chội, do vậy việc xây dựng nhà xưởng kết hợp như vậy là tất yếu vì tại khu vực sản xuất phải có nơi ở để trông nom máy móc, hàng hóa.
Một bất cập nữa cần nói đến đó là theo quy định các nhóm hộ sau khi nhận đất phải cùng xây dựng, không được xây dựng riêng lẻ đã gây nên nhiều phiền toái cho các hộ dân, theo đó công tác quản lý TTXD tại địa phương cũng gặp không ít khó khăn. Đơn cử, một nhóm hộ gồm 6 hộ được cấp với diện tích khoảng 300m2, nhưng trong nhóm chỉ có 2-3 hộ có tiền và nhu cầu xây dựng trước, các hộ còn lại chưa có nhu cầu. Trước bất cập này, nhiều hộ dân phường Vạn Phúc đã nhiều lần kiến nghị UBND phường, quận Hà Đông và các cơ quan chức năng cho phép các nhóm hộ được phân kỳ đầu tư (tức là trong tổng diện tích chung của nhóm hộ, hộ nào có điều kiện được xây dựng nhà xưởng trước, không phải đợi để xây dựng cùng) thế nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Những tồn tại và bất cập nêu trên không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý TTXD tại địa phương mà còn khiến nhiều hộ không dám đầu tư xây dựng. Trước đề nghị của người dân cho phép tất cả các lô đất trong Điểm TTCN làng nghề dệt lụa Vạn Phúc được điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, từ năm 2013, UBND phường Vạn Phúc và quận Hà Đông đã có văn bản đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu điều chỉnh cho toàn khu được xây dựng 3 tầng. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có hồi âm!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.