(HNM) - Thành phố Hà Nội chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo. Những năm qua, với nền tảng văn hóa truyền thống và đặc trưng hội tụ, kết tinh, lan tỏa, Hà Nội luôn là mảnh đất ươm mầm, thu hút sức sáng tạo từ mọi miền đất nước. Sự ra đời và phát triển của ngày càng nhiều không gian sáng tạo là lời khẳng định cho những tiềm năng ấy; đồng thời củng cố, kiến tạo nên thương hiệu thành phố sáng tạo cho Thủ đô Hà Nội.
Truyền cảm hứng sáng tạo và kết nối
Đã thành thông lệ, những ngày cuối tuần, không gian sáng tạo Ơ kìa Hà Nội (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình) lại bận rộn cho buổi chiếu phim thường kỳ tại “Rạp chiếu bóng nhỏ nhất thế gian” ở đây. Ông Đỗ Việt Dũng (Kim Mã, Ba Đình) cho biết, ông rất thích xem phim ở không gian này, bởi những bộ phim tại đây đều được chọn lọc kỹ lưỡng. Cách thưởng thức điện ảnh tại đây cũng đặc biệt hơn, nhờ có những buổi trò chuyện, trao đổi cởi mở và ấm cúng sau suất chiếu, với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ. Qua đó, góp phần truyền cảm hứng sáng tạo và kết nối những người yêu điện ảnh.
Cũng trong thời gian này, tại không gian nghệ thuật đương đại và sáng tạo mới Heritage Space (Hào Nam, Đống Đa) đang diễn ra Tháng thực hành nghệ thuật 2019, với nhiều hoạt động trình diễn sôi nổi, độc đáo. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, điều phối viên của Heritage Space, dự án được khởi xướng từ năm 2015, nhằm xây dựng nền tảng cho các hoạt động thực hành nghệ thuật và triển lãm giữa các nghệ sĩ chuyên nghiệp quốc tế và các nghệ sĩ trẻ Việt Nam.
Cùng với Ơ kìa Hà Nội và Heritage Space, Hà Nội đang có rất nhiều không gian sáng tạo hoạt động hiệu quả, góp phần quy tụ, kết nối nhiều tổ chức, cá nhân có cùng đam mê, hoài bão. Có thể kể đến, VICAS ART STUDIO (Hào Nam, Đống Đa) với triển lãm Tò he - vo - lu - tion, khơi gợi sức sáng tạo của người tham dự; Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD với các khóa học về biên kịch, quay phim, diễn xuất…
Sẽ có hỗ trợ xứng đáng
Theo khảo sát của Văn phòng Hội đồng Anh tại Hà Nội, thành phố Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số không gian sáng tạo, với 60/140 mô hình. Không chỉ lớn mạnh về số lượng, các không gian sáng tạo ở Hà Nội còn đa dạng, phong phú về các mô hình sáng tạo, từ mỹ thuật, tạo hình, thời trang, kiến trúc… đến phim ảnh. Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Thị Lan Anh cho biết, bên cạnh những không gian sẵn có, như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, hơn 170 bảo tàng, thư viện, nhà hát, rạp chiếu phim…, các không gian sáng tạo mới được hình thành đã và đang phục vụ tích cực cho việc thực hiện, phổ biến các thiết kế sáng tạo.
“Hà Nội đang trở thành một không gian sáng tạo lớn giúp khai mở tiềm năng sáng tạo, gia tăng mức hưởng thụ văn hóa và tăng sức hấp dẫn cho điểm đến. Việc Hà Nội được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo vừa qua tiếp tục là cơ hội thuận lợi cho thành phố định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trong tất cả lĩnh vực sáng tạo văn hóa”, bà Phạm Thị Lan Anh cho biết thêm.
Để đạt được điều này, theo Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo (VCE Club) Lê Quốc Vinh, thành phố Hà Nội cần sớm hoàn thiện hệ thống chính sách, tạo điều kiện cho các không gian sáng tạo của Thủ đô phát triển và không ứng xử với các không gian sáng tạo như các doanh nghiệp khác; nghiên cứu, chọn lựa trọng tâm và xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân làm sáng tạo...
Không chỉ đem lại sắc thái mới cho đô thị, không gian sáng tạo còn có khả năng giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Thạc sĩ Trần Thị Thanh Thủy, cán bộ chương trình văn hóa (Văn phòng UNESCO tại Việt Nam) cho rằng, nên ưu tiên các khu vui chơi, các hoạt động sáng tạo cộng đồng, khi tiến hành quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới. Hà Nội có thể đưa không gian sáng tạo vào những khu vực vốn gây ô nhiễm, để cải tạo không gian, mang đến sức sống mới, hấp dẫn hơn cho khu vực đó.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động khẳng định, thời gian tới, Hà Nội sẽ cụ thể hóa các cam kết của thành phố tại hồ sơ ứng cử tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO bằng chương trình hành động dài hạn; có chiến lược cụ thể để nâng cao nhận thức, gắn kết công chúng với nhịp đập văn hóa và sáng tạo của thành phố. Đồng thời, sẽ xây dựng những chương trình liên kết giữa Hà Nội với các thành phố sáng tạo trong khu vực và thế giới.
“Cùng với việc phát triển thêm nhiều không gian văn hóa sáng tạo, tổ chức thêm nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ hoàn thiện hơn 20 công viên mới, trong đó dành nhiều không gian để văn nghệ sĩ tự do sáng tạo. Hà Nội đã xây dựng chương trình khởi nghiệp, kết nối với doanh nghiệp để có kế hoạch hỗ trợ xứng đáng các tổ chức, cá nhân có ý tưởng sáng tạo phù hợp…”, ông Tô Văn Động nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.