Công nghiệp văn hóa

“Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” - mốc son mới của Thành phố sáng tạo: Để Hà Nội trở thành "thành phố lễ hội"

Lệ Quyên ghi 13/10/2024 09:24

Hà Nội hội tụ nhiều điều kiện để trở thành điểm đến hấp dẫn bởi lễ hội văn hóa. Tuy nhiên, định vị thương hiệu “thành phố lễ hội” không phải là việc đơn giản, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Báo Hànộimới Cuối tuần có cuộc trò chuyện với một số chuyên gia văn hóa, du lịch về vấn đề này.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:
Hà Nội cần một chiến lược phát triển văn hóa toàn diện

yk-bui-hoai-son.jpg

Thành công trong việc tổ chức “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” năm 2024 cho thấy rõ hơn về tiềm năng tổ chức lễ hội quy mô lớn của thành phố Hà Nội. Việc thu hút khoảng 10 nghìn người tham gia là một minh chứng sống động cho sự quan tâm và sức hấp dẫn của các lễ hội văn hóa, đồng thời mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho ngành công nghiệp văn hóa và du lịch của Thủ đô.

Hà Nội có lợi thế lớn về di sản văn hóa, là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại. Các chương trình lễ hội như “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” có thể trở thành những điểm nhấn, thu hút sự chú ý không chỉ của người dân trong nước mà còn của du khách quốc tế. Khi các lễ hội được tổ chức thường xuyên và chuyên nghiệp hơn, Hà Nội hoàn toàn có khả năng trở thành một "thành phố lễ hội" nổi bật ở khu vực, là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá giá trị văn hóa và lịch sử.

Tôi cho rằng, để khai thác hiệu quả giá trị văn hóa, di sản và xây dựng những lễ hội có sức hút, Hà Nội cần một chiến lược phát triển toàn diện.

Đầu tiên, cần tập trung vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa độc đáo. Những di tích lịch sử, văn hóa như Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu phố cổ cùng hàng trăm ngôi đình, đền, chùa là nguồn cảm hứng tuyệt vời để tổ chức các lễ hội có tính truyền thống, mang bản sắc riêng của Thăng Long - Hà Nội. Việc kết hợp giữa yếu tố hiện đại và truyền thống sẽ tạo nên những lễ hội có tính độc đáo, thu hút cả người dân địa phương và du khách.

Thứ hai, các lễ hội cần được đầu tư sáng tạo về nội dung để vừa đáp ứng tốt nhu cầu giải trí của nhân dân, vừa mang tính giáo dục sâu sắc, góp phần tôn vinh và lan tỏa các giá trị văn hóa. Để làm được điều này, cần có sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ sĩ, và các doanh nghiệp tổ chức sự kiện nhằm tạo nên những lễ hội vừa mang tính nghệ thuật cao, vừa có sức hút thương mại.

Thứ ba, Hà Nội cần xây dựng chiến lược truyền thông bài bản, đa dạng, đặc biệt là sử dụng mạng xã hội để tiếp cận đông đảo công chúng trong nước và quốc tế. Các chiến dịch quảng bá có thể được lồng ghép với hoạt động du lịch để khách đến Hà Nội không chỉ trải nghiệm lễ hội mà còn cả không gian văn hóa của Thủ đô. Bên cạnh đó, Hà Nội nên có chính sách hợp tác với các đối tác nước ngoài để nâng cao chất lượng và tầm vóc của các lễ hội, giúp Hà Nội trở thành điểm đến văn hóa quốc tế, nơi giao thoa giữa các nền văn hóa khác nhau.

Ông Trương Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO thành phố Hà Nội:
Phát huy vai trò của cộng đồng trong sáng tạo nghệ thuật

yk-truong-minh-tien.jpg

Hà Nội hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành “thành phố lễ hội” bởi sở hữu số lượng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, lễ hội, làng nghề vô cùng phong phú mà hiếm có địa phương nào có được. Hà Nội cũng là nơi hội tụ đông đảo lực lượng sáng tạo tài năng, là trung tâm khoa học kỹ thuật, công nghệ của cả nước. Nếu biết cách huy động các nguồn lực sáng tạo này cùng với phát huy vai trò của cộng đồng thì Hà Nội có thể xây dựng, phát triển nhiều sản phẩm văn hóa độc đáo, mới mẻ, xây dựng những lễ hội truyền thống trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Đây là một bước tiến quan trọng để thúc đẩy công nghiệp văn hóa.

Thực tế, Hà Nội đã có những sản phẩm văn hóa huy động được sức mạnh tổng hợp của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, tạo hiệu ứng rất tốt, chẳng hạn như chương trình thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” ở Quốc Oai, hay vừa qua là “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” huy động gần 10 nghìn người tham dự mà phần lớn là người dân địa phương. Chương trình này được nhân dân và du khách đánh giá cao, không chỉ mang đến trải nghiệm độc đáo, mới mẻ mà còn tạo sức quảng bá, tuyên truyền hình ảnh Thủ đô nghìn năm văn hiến, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo” rất hiệu quả. Tôi cho rằng, Hà Nội nên đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển các lễ hội văn hóa truyền thống, nâng tầm sáng tạo để những lễ hội này trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, qua đó thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Để làm được điều đó, bên cạnh sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp chính quyền, cần có nguồn lực đầu tư, và quan trọng nữa là sự chung tay tham gia sáng tạo của cộng đồng. Với những lễ hội văn hóa dân gian, lễ hội di sản, vai trò của người dân rất quan trọng, vì thế, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ, đào tạo, hướng dẫn người dân cùng tham gia bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản.

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lữ hành Việt Nam:
Tập trung đầu tư vào hạ tầng giao thông, dịch vụ du lịch

yk-phung-minh-thang.jpg

Sự phát triển của các lễ hội văn hóa quy mô lớn sẽ giúp Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn hơn trong mắt du khách quốc tế. Thời gian gần đây, Hà Nội đã hình thành và xây dựng những lễ hội văn hóa mới, chẳng hạn như Tuần lễ thiết kế sáng tạo, Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa Monsoon, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội, Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội... Những sự kiện hấp dẫn đó đã góp phần quảng bá hình ảnh Hà Nội ra toàn thế giới một cách hiệu quả, thu hút du khách đến trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc, độc đáo của thành phố. Tôi tin rằng, nếu tiếp tục phát huy tiềm năng tổ chức các lễ hội quy mô lớn một cách chuyên nghiệp và bài bản, Hà Nội không chỉ trở thành một điểm đến văn hóa hấp dẫn mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa trở thành một động lực phát triển bền vững cho Thủ đô.

Từ sự kiện “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” góp phần giới thiệu hàng trăm di sản văn hóa vật thể, phi vật thể quan trọng của Thủ đô, với một hoạt động trình diễn có sự tham gia của 10 nghìn người, có thể thấy nguồn lực văn hóa, di sản ở Thủ đô dồi dào đến thế nào. Hà Nội hoàn toàn có thể trở thành “thành phố lễ hội, di sản” bên cạnh tiềm năng tổ chức những lễ hội văn hóa hiện đại. Văn hóa truyền thống Hà Nội là nền tảng cốt lõi để Hà Nội có thể xây dựng, phát triển sản phẩm văn hóa, du lịch hấp dẫn. Các lễ hội quy mô lớn trở thành thương hiệu tô điểm thêm cho vẻ đẹp văn hóa Hà Nội thì sẽ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể, thông qua việc phát triển các dịch vụ liên quan như du lịch, khách sạn, nhà hàng, khu mua sắm, và đặc biệt là góp phần phát triển các sản phẩm văn hóa sáng tạo.

Tuy vậy, để trở thành "thành phố lễ hội" có sức hút lớn, mang lại nguồn thu lớn thì bên cạnh việc đầu tư cho các yếu tố văn hóa, nghệ thuật, Hà Nội cần chú ý đầu tư vào hạ tầng giao thông, dịch vụ du lịch và các tiện ích công cộng. Các khu vực tổ chức lễ hội phải đảm bảo điều kiện về giao thông, an toàn, vệ sinh, thuận tiện cho du khách. Ngoài ra, thành phố cần xây dựng các tour kết hợp tham quan di sản văn hóa và tham gia lễ hội để gia tăng giá trị trải nghiệm cho du khách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” - mốc son mới của Thành phố sáng tạo: Để Hà Nội trở thành "thành phố lễ hội"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.