(HNMO) - Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới trong ngày hôm nay 17-1 (tức 26 tháng Chạp), tại một số siêu thị và chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội, hàng hóa rất đa dạng, giá hầu như không tăng. Thậm chí, các siêu thị còn giảm giá nhiều mặt hàng thiết yếu. Sức mua cũng bắt đầu tăng, tuy chưa mạnh như thời điểm trước dịch Covid-19.
Chuối xanh, thịt ba chỉ đắt hàng
Ghi nhận tại một số chợ truyền thống như Châu Long (quận Ba Đình), Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), Gia Quất (quận Long Biên)…, hàng hóa dồi dào; giá rau quả, thịt gia súc, gia cầm không tăng.
Theo các tiểu thương, thời điểm này, hàng khô, chuối xanh, trái cây để bày mâm ngũ quả được nhiều người chọn mua.
Bà Nguyễn Thị Hòa, bán chuối xanh ở chợ Gia Quất cho biết, thời tiết thuận lợi nên giá chuối xanh khá thấp. Chuối to, đẹp, xanh, quả lẻ và cong chỉ có giá khoảng 60.000-80.000 đồng/nải. Chuối loại vừa có giá chỉ từ 25.000-35.000 đồng/nải.
Cùng với đó, sức mua các loại trái cây cũng tăng hơn, nhiều nhất là táo đỏ, phật thủ, bưởi, xoài xanh. Trong đó, giá phật thủ loại to, nhiều tay có giá 60.000-80.000 đồng/quả, bưởi nguyên cuống 25.000-40.000 đồng/quả, táo nhập khẩu 90.000-120.000 đồng/kg…
Chị Hoa, người dân phường Thượng Thanh, quận Long Biên, cho biết, chị đã sắm trước hàng khô, giờ tranh thủ mua chuối xanh, ngũ quả, đến sát Tết sẽ mua hàng tươi sống.
Trong khi đó, chị Bùi Mai, kinh doanh rau xanh tại chợ Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng) cho hay, vài ngày nay, sức mua các loại rau dùng để ăn lẩu tăng nhưng giá không tăng do nguồn cung dồi dào. Rau cần 15.000 đồng/mớ, rau cải cúc 8.000-12.000 đồng/mớ…
Tương tự, tại các chợ, giá rau xanh hầu như ổn định, với bắp cải 12.000-15.000 đồng/kg, cải xanh 5.000-7.000 đồng/mớ, súp lơ xanh 10.000-12.000 đồng/cái…
Thời điểm này, thịt lợn cũng là mặt hàng bán chạy do nhiều gia đình bắt đầu rục rịch gói bánh chưng, các nhà hàng gói giò... Tuy vậy, giá thịt lợn vẫn như ngày thường, như thịt ba chỉ, thịt thăn 100.000-120.000 đồng/kg, sườn non 120.000-150.000 đồng/kg, móng giò 90.000-110.000 đồng/kg…
Chị Thuận, kinh doanh thịt lợn tại chợ Gia Quất cho biết, thịt ba chỉ, thịt mông sấn được dùng để gói bánh chưng nên bán nhanh hết hàng hơn.
Tương tự, sức mua thịt bò thời điểm này tăng mạnh. Theo tiểu thương, giá thịt bò bắt đầu nhích nhẹ, như thịt diềm, thăn bò tăng lên 340.000 đồng/kg, giá bò bắp từ 400.000-650.000 đồng/kg..., tăng từ 20.000-30.000 đồng/kg so với tuần trước.
Trong khi đó, giá gà, tôm… không biến động. Gà trống ri (chưa mổ) 120.000-140.000 đồng/kg, tôm sú 450.000-550.000 đồng/kg tùy loại, tôm thẻ 350.000-400.000 đồng/kg…
Siêu thị giảm giá nhiều mặt hàng
Hiện, các siêu thị đều triển khai chương trình khuyến mại, giảm giá sâu nhiều loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ Tết Quý Mão 2023. Đặc biệt, nắm bắt tình hình kinh tế còn khó khăn và tâm lý người tiêu dùng thắt chặt hơn trong chi tiêu nên các hệ thống, đơn vị bán lẻ đã cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm Việt Nam bảo đảm chất lượng, giá phải chăng và mẫu mã, bao bì ngày càng bắt mắt.
Ghi nhận tại các siêu thị BigC, Co.opmart, WinMart, BRGMart, lượng người tới mua sắm tăng gấp đôi, gấp ba so với các ngày trước. Tại siêu thị BigC Thăng Long trong sáng 17-1, các quầy hàng bánh kẹo, trái cây, rượu bia… có khá đông người mua. Nhiều mặt hàng đang được siêu thị này giảm giá sâu.
Ghi nhận tại siêu thị Co.op mart Hà Đông (Hà Nội), hàng hóa được nhiều người lựa chọn là các giỏ quà Tết, bánh kẹo, nước giải khát… Các nhóm hàng hóa sản xuất trong nước được bày bán áp đảo, nhiều mặt hàng giảm giá, khuyến mại lớn để thu hút người tiêu dùng, trong đó, mặt hàng thực phẩm tươi sống giảm giá 15-25%.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.op mart Hà Đông, người dân chủ yếu tập trung mua hàng nhu yếu phẩm và những món không thể thiếu trong dịp lễ, Tết như bánh kẹo, nước ngọt, bia, các loại đồ khô, thực phẩm… Đặc biệt, người tiêu dùng năm nay đặt mua online tăng 50% so với trước.
Còn bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG cho biết, đến thời điểm này, các mặt hàng dự trữ của hệ thống đã tiêu thụ được khoảng 40%.
Giá cả hàng hóa năm nay bình ổn, nhiều mặt hàng giảm giá, như rượu, bia giảm 8-10% so với ngày thường. Đáng chú ý, mặt hàng bánh kẹo, thịt lợn bán không lợi nhuận đến hết ngày 21-1 (30 Tết).
Hệ thống còn chạy các chương trình khuyến mại thực phẩm, hoa quả, bánh kẹo, hóa mỹ phẩm với mức giảm giá 20-50%, hay mua 1 tặng 1…
Đến thời điểm này, sức mua trên thị trường Hà Nội đã tăng gấp đôi, gấp ba lần so với ngày thường nhưng tốc độ tăng vẫn còn chậm và nhiều nhóm ngành hàng vẫn "chờ" người mua.
Các nhà bán lẻ và tiểu thương tại các chợ truyền thống đều kỳ vọng vào sức mua bật tăng từ nay đến ngày 30 Tết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.