Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các siêu thị chuẩn bị hàng hóa Tết phong phú, đa dạng

Thanh Hiền| 13/01/2023 17:36

(HNMO) - Sáng 13-1, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức đoàn kiểm tra về tình hình cung ứng hàng hóa, quản lý an toàn thực phẩm, chống hàng giả, hàng nhái và phòng, chống cháy nổ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 tại một số siêu thị, kênh phân phối trên địa bàn Hà Nội.

Siêu thị Co.opmart Hà Nội chuẩn bị lượng hàng phục vụ Tết tăng 12% so với năm 2022.

Tham gia đoàn có Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan; Trưởng ban Kinh tế ngân sách, HĐND thành phố Hà Nội Hồ Thị Vân Nga, cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị liên quan.

Báo cáo với đoàn kiểm tra, đại diện Công ty TNHH một thành viên Sài Gòn Co.op Hà Nội cho biết, siêu thị đã xây dựng kế hoạch đặt hàng, dự trữ nguồn hàng cụ thể với lượng dự trữ hàng tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng chủ lực kinh doanh trong giai đoạn cao điểm Tết là bánh kẹo, trái cây, bia, nước giải khát, mì, trà… tổng giá trị gần 70 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết năm 2022.

Bên cạnh đó, công tác bảo đảm nguồn hàng hóa với giá cả ổn định, bảo đảm an toàn thực phẩm luôn được quan tâm. Siêu thị luôn bảo đảm kiểm soát chặt chẽ hàng hóa ngay từ khâu đầu vào, nguồn hàng đạt tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc xuất xứ…

Ngoài bán hàng trực tiếp, đơn vị tập trung đẩy mạnh và khai thác kinh doanh, đơn hàng thông qua tương tác qua mạng xã hội: Zalo, fanpage...; xây dựng các chương trình khuyến mại riêng cho khách hàng, đơn hàng online, góp phần gia tăng doanh số.

Siêu thị cũng sẽ tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá kích cầu tiêu dùng; mở thêm các quầy thanh toán, huy động tối đa lực lượng giao hàng để phục vụ khách.

Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân dịp Tết Nguyên đán, siêu thị sẽ mở cửa đến 12h00 ngày 30 Tết (tức 21-1-2023) và dự kiến mở cửa kinh doanh ngày mùng 6 Tết (tức 27-1-2023).

Làm việc với đoàn kiểm tra, ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng Big C & GO! khu vực Hà Nội và miền Bắc cho biết, đơn vị đã làm việc với các nhà cung cấp để dự báo số lượng sản xuất từ quý II-2022 và dự trữ hàng từ đầu tháng 10 năm nay với nguồn hàng dồi dào, tổng giá trị hàng đạt 351 tỷ đồng, tăng 21,7% so với Tết năm 2022.

Siêu thị cung cấp tất cả các sản phẩm Tết, gồm bánh, kẹo, nước ngọt, bia, rượu với giá cạnh tranh và nhiều chương trình khuyến mại như: Mua 1 tặng 1, giảm giá 50%, và giá chỉ dành cho thành viên.

Đại diện siêu thị cho biết, đến thời điểm này, lượng tiêu dùng tại siêu thị tăng 20% so với năm trước. Đặc biệt, với tuần cao điểm, dự kiến một ngày, lượng khách sẽ tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường. “Các mặt hàng bánh kẹo, rượu bia là những mặt hàng được tiêu thụ nhiều và sẽ được tiêu thụ mạnh trong thời gian cận Tết. Còn mặt hàng tươi sống như thịt, cá, rau, trái cây là những mặt hàng sẽ được khách hàng ưu tiên lựa chọn trong tuần trước Tết, với ghi nhận tăng 5-7 lần so với ngày bình thường”, ông Phong khẳng định.

Để đáp ứng nhu cầu mua sắm mọi lúc mọi nơi của khách hàng, kênh mua sắm trực tuyến cũng được siêu thị ưu tiên. Đến thời điểm này, lượng bán hàng online đã tăng 20 - 30%.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đánh giá, lượng hàng hóa của các đơn vị phân phối khá dồi dào, đầy đủ, đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã; chất lượng thì bảo đảm, giá cả hợp lý với người tiêu dùng.

“Ngoài việc chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ, các doanh nghiệp phân phối cũng đưa ra rất nhiều chương trình chiết khấu, khuyến mại giảm giá từ 10 đến 15% để phục vụ khách hàng. Đặc biệt, theo báo cáo của các đơn vị, năm nay, lượng khách đến trực tiếp siêu thị không nhiều nhưng lượng khách online tăng tới 50% với những đơn hàng có giá từ 3 đến 5 triệu đồng trở lên; nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân được phục vụ đầy đủ qua cả kênh online và offline”, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Đối với công tác bảo đảm chất lượng hàng hóa, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức 4 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 389 thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn Hà Nội; tất cả nguồn hàng cung cấp cho thị trường Hà Nội được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm cho người dân.

Ngoài ra, các sản phẩm đặc sản, OCOP của các địa phương năm nay cũng rất đa dạng về chủng loại, thiết kế bao bì sản phẩm bắt mắt. Do đó, Sở Công Thương Hà Nội đã liên kết với 53 tỉnh, thành phố đưa sản phẩm về các kênh phân phối tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội, cũng như đưa vào 85 điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP của Hà Nội và các hệ thống phân phối khác để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Các siêu thị chuẩn bị hàng hóa Tết phong phú, đa dạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.