Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sức mạnh của thị trường nội địa

Thanh Hiền| 28/12/2022 06:12

(HNM) - Kích cầu sức mua ở thị trường nội địa là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi nền kinh tế. Do đó, thành phố Hà Nội đã tổ chức hàng loạt chương trình kích cầu tiêu dùng, khuyến mãi tập trung, liên kết vùng, xúc tiến thương mại… nhằm tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, kiểm soát lạm phát, khẳng định vai trò, sức mạnh của thị trường nội địa với tăng trưởng kinh tế.

Người tiêu dùng tham quan, mua sắm tại chương trình “Tự hào nông sản Việt” do UBND thành phố Hà Nội phối hợp các đơn vị tổ chức nhằm kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, tháng 12-2022.  Ảnh: Nguyễn Quang

Thị trường khởi sắc

Thường xuyên săn hàng thời trang, đồ gia dụng giảm giá, chị Lê Mai (trú tại ngõ 12 phố Nguyễn Thị Định, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Những năm gần đây, các doanh nghiệp thường đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá sâu. Do đó, tôi thường chờ đến những ngày đó để vừa tiết giảm được chi phí, mà vẫn mua được những món hàng ưng ý”.

Thực tế, nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, các doanh nghiệp đã triển khai liên tiếp các chương trình khuyến mại. Hòa cùng không khí mua sắm cuối năm và chuẩn bị chào đón Xuân Quý Mão 2023, chuỗi bán lẻ của Central Retail gồm: GO!, Big C, Tops Market đồng loạt giảm giá từ 35% đến 50% đối với hàng nghìn sản phẩm. Tương tự, các doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị điện máy lớn, như: Hapro, BRG, Co.opmart, Aeon Mall, Winmart, MediaMart, Pico… cũng tích cực vào cuộc. Là một trong các điểm thu hút người tiêu dùng, đại diện Tập đoàn Aeon cho biết, doanh thu và lượng khách đến hệ thống trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông và Aeon Mall Long Biên tăng gần 200% vào dịp cuối tuần hay khi có sự kiện khuyến mại.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Bùi Duy Quang, các hoạt động khuyến mại không chỉ góp phần bảo đảm cân đối cung - cầu thị trường, giúp người tiêu dùng mua sắm hàng hóa với giá cả hợp lý, mà còn là giải pháp thúc đẩy tiêu dùng nội địa, khẳng định thị trường nội địa là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế. Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, thông qua các chương trình kích cầu nội địa, doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Thủ đô. “Nhiều năm qua, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thương mại, dịch vụ, thị trường trong nước luôn là trụ đỡ của nền kinh tế”, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nêu.

Thống kê của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, 11 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố đạt 629,2 nghìn tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 407,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,8% tổng mức và tăng 18,1%. Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, riêng 3 tháng triển khai chương trình khuyến mại tập trung (các tháng 5, 7, 11-2022), Sở Công Thương đã tiếp nhận khoảng 12.000 đăng ký khuyến mại của hơn 1.000 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, với tổng giá trị khuyến mại ước tính trên 50.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các chương trình Tuần hàng Việt, Hội chợ khuyến mại nhằm quảng bá, giới thiệu và bán trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố… đã góp phần khai thác tiềm năng thị trường hàng hóa nội địa đang hồi phục tích cực để nâng cao tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong những tháng cuối năm.

Mặt hàng thời trang giảm giá thu hút nhiều người dân chọn mua tại Trung tâm thương mại Aeon Mall (quận Long Biên).  Ảnh: Trọng Hiếu

Đẩy mạnh xúc tiến tiêu dùng nội địa

Theo dự báo của Bộ Công Thương, triển vọng về tiêu dùng trong nước thời gian tới sẽ tích cực hơn do dịch Covid-19 được kiểm soát, sản xuất phục hồi, ngành Du lịch mở cửa... Đối với thành phố Hà Nội, nhiều doanh nghiệp cũng đang nỗ lực đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh sau một thời gian dài bị tác động mạnh bởi đại dịch Covid-19. Để tạo thêm sức bật cho các doanh nghiệp, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 333/KH-UBND về việc kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, UBND thành phố giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến mại tập trung của thành phố; hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh kết nối giao thương, liên kết đầu tư sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

“Thành phố cũng giao các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động nắm tình hình và tăng cường phối hợp, đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh và thực hiện các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng song song với các giải pháp phòng, chống dịch bệnh”, bà Trần Thị Phương Lan cho hay.

Để phát huy vai trò của thị trường trong nước, đặc biệt là với Thủ đô Hà Nội - trung tâm kinh tế có tính lan tỏa, các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, hệ thống bán lẻ hiện đại phục vụ nhu cầu của nhân dân, gắn với thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; đồng thời khai thác hiệu quả hơn khu vực thị trường nông thôn.

Bên cạnh đó, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết, lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhằm bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng và thị trường trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức mạnh của thị trường nội địa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.