(HNM) - Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng hiện nay công tác chuyển giao công nghệ chưa đáp ứng được nhu cầu.
Đâu là nguyên nhân và giải pháp nào cho vấn đề này, là nội dung mà ông Đỗ Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ (Bộ KH&CN) trao đổi cùng Báo Hànộimới.
- Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong công tác CGCN trong thời gian qua?
- Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam thì CGCN là con đường ngắn nhất để đổi mới công nghệ và góp phần thực hiện sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Với hành lang pháp lý khuyến khích việc thu hút, thúc đẩy các hoạt động CGCN tại Việt Nam ở cả 3 luồng là CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam, CGCN trong nước và CGCN từ Việt Nam ra nước ngoài, chúng ta đã tập trung vào 4 lĩnh vực ưu tiên là thông tin viễn thông, tự động hóa, sinh học, vật liệu mới và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Robot phun thuốc sinh học cho cây trồng trong nhà kính. |
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông, hàng loạt công nghệ hiện đại đã được chuyển giao và ứng dụng thành công như: Mạng viễn thông số hóa, mạng thế hệ sau (NGN), mạng cáp quang, công nghệ GSM và CDMA. Đặc biệt, công nghệ 3G đã được 4 doanh nghiệp viễn thông bắt đầu đưa vào áp dụng từ năm 2009. Một số công nghệ mới như WiMax và mobile TV đang được tiếp tục thử nghiệm để đưa vào ứng dụng. Số lượng doanh nghiệp ứng dụng CNTT vào kinh doanh, vào thương mại điện tử tăng nhanh. Việt Nam đã triển khai thành công một số hoạt động CGCN trong lĩnh vực CNTT và truyền thông với hai cường quốc lớn là Mỹ và Nhật Bản.
Trong lĩnh vực sinh học, mỗi năm Việt Nam thu được hàng chục tỷ đồng từ việc CGCN gen, công nghệ protein và vắc-xin tái tổ hợp. Trong lĩnh vực tự động hóa, các hoạt động CGCN trong nước cũng đã diễn ra khá sôi động. Điển hình có sáng chế Robot phun thuốc sinh học cho cây trồng trong nhà kính, công nghệ rơ le bảo vệ hệ thống điện, sản xuất thiết bị y tế kỹ thuật số (liên doanh với Hàn Quốc) với tổng mức đầu tư 8 triệu USD. Ứng dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, Viện Khoa học - Công nghệ tàu thủy phối hợp với các công ty đóng tàu trong nước đã xuất xưởng không ít sản phẩm mới có chất lượng. Một số loại vật liệu mới đã được chuyển giao và ứng dụng trong các lĩnh vực xây dựng, cơ khí, chế tạo, điện tử ứng dụng, tàu thủy như: Vật liệu gốm sứ kỹ thuật cao cấp, vật liệu nano, vật liệu polyme compozit…
- Theo ông, công tác CGCN đã đáp ứng được nhu cầu chưa? Khó khăn lớn nhất trong công tác này hiện nay là gì?
- Theo tôi, hoạt động CGCN chưa đáp ứng được nhu cầu. Thông qua CGCN để tiếp cận những công nghệ cao, công nghệ mới chưa nhiều. Nhiều công nghệ được chuyển giao qua con đường đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn là công nghệ trung bình so với thế giới.
Thực trạng đó là do nhiều nguyên nhân. Các công nghệ được thương mại hóa và chuyển giao về Việt Nam thì doanh nghiệp chỉ được quyền sử dụng công nghệ chứ không có quyền sở hữu công nghệ. Vì thế, chừng nào doanh nghiệp tại Việt Nam còn sản xuất sản phẩm có áp dụng công nghệ được chuyển giao thì chừng đó còn phải thanh toán chi phí cho CGCN. Thêm nữa, chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn chưa theo kịp xu hướng và nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Các địa phương vẫn nặng về thành tích, chỉ tính kết quả thu hút đầu tư trên số lượng dự án và vốn đầu tư chưa chú trọng nhiều đến việc thu hút đầu tư có kèm theo công nghệ cao, công nghệ mới. Thực trạng này cần phải thay đổi trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả của hoạt động đầu tư, thông qua việc bảo đảm quyền lợi công bằng cho cả nhà đầu tư, nhà nước và người dân.
Chúng ta đã có quy định, các bên ký kết CGCN tự nguyện đăng ký hợp đồng để được hưởng ưu đãi theo quy định pháp luật, nhưng trên thực tế khi thực hiện CGCN các doanh nghiệp chưa thấy được hưởng các ưu đãi cụ thể nên chưa thực hiện việc đăng ký. Chế độ báo cáo, thống kê lại chỉ quy định, những công nghệ chuyển giao sử dụng ngân sách nhà nước mới phải báo cáo, trong khi trên thực tế có nhiều công nghệ do những tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước triển khai chuyển giao. Chính vì điều này nên cơ quan quản lý nhà nước không thể biết được hiện nay tình hình CGCN trong nước đang diễn ra như thế nào để có định hướng cụ thể về mặt chính sách.
- Để công tác CGCN đạt được kết quả cao nhất, trong thời gian tới cần quan tâm đến vấn đề gì, thưa ông?
- Qua quá trình thực hiện Luật CGCN từ ngày 1-7-2007 đến nay, chúng tôi thấy có một số vấn đề cần giải quyết để đẩy mạnh CGCN. Trước hết là cần có những quy định cụ thể nhằm tăng cường việc ứng dụng công nghệ trong danh mục khuyến khích chuyển giao; thúc đẩy kết quả nghiên cứu từ viện, trường vào sản xuất. Các tổ chức dịch vụ làm cầu nối giữa các nhà nghiên cứu, nhà khoa học với doanh nghiệp cần phải được hình thành. Các doanh nghiệp phải đóng góp kinh phí vào công trình nghiên cứu thông qua việc đặt hàng các viện nghiên cứu, trường đại học để bảo đảm "đầu ra" cho công nghệ. Tất cả những điều đó đòi hỏi phải sớm sửa đổi, bổ sung Luật CGCN.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.