Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự cộng hưởng trách nhiệm

Minh Thúy| 16/08/2018 06:22

(HNM) - Kiên định mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện, ngành Giáo dục Thủ đô xác định ổn định cơ sở trường, lớp và chất lượng giáo viên là yếu tố quan trọng để giữ vững vị trí đơn vị dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục.


Thời gian qua, tốc độ tăng dân số cơ học diễn ra mạnh mẽ đã dẫn đến thực tế lượng học sinh ra lớp ở Hà Nội năm sau luôn cao hơn năm trước. Đơn cử, năm học 2018-2019, học sinh vào lớp 1 tăng 30.000 em so với năm học trước; lớp 10 tăng khoảng 20.000 học sinh. Vấn đề nằm ở chỗ, số học sinh tăng nhanh nhưng trường, lớp ở một số nơi không đáp ứng đủ, thậm chí vẫn còn địa phương không bảo đảm có tối thiểu một trường công lập ở mỗi cấp học… Thực trạng này còn dẫn đến một việc "dở khóc dở cười" là phụ huynh ở một số nơi phải bốc thăm để giành suất học cho con em mình.

Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ nhà giáo là vấn đề được nhiều người quan tâm, nhất là trong bối cảnh năm học 2018-2019 là năm cuối cùng chuẩn bị các điều kiện chính thức để triển khai chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới vào năm học 2020-2021, với đòi hỏi chất lượng cao hơn.

Trước những áp lực trên, Hà Nội đã dành những ưu tiên đặc biệt cho ngành Giáo dục. Chỉ tính riêng năm học 2017-2018, thành phố đã dành tới 25,5% mức chi từ ngân sách để xây dựng trường, lớp. Đặc biệt, với sự giám sát chặt chẽ của HĐND thành phố về lĩnh vực này, nhiều khó khăn đã tìm được hướng giải quyết như: Những trường không còn đất để mở rộng thì có thể xây thêm tầng; những địa phương còn quỹ đất thì không nhất thiết chỉ có một trường công lập...

Việc tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng được thành phố triển khai đồng bộ, trong đó, từ năm học 2018-2019 Hà Nội sẽ thực hiện Đề án nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức thành phố giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, trước những đòi hỏi thực tiễn, ngành Giáo dục Thủ đô còn rất nhiều việc phải làm và đây không phải là nhiệm vụ của riêng ngành này. Đó là quy hoạch trường lớp của thành phố chưa đồng bộ, chất lượng giáo dục chưa thật đồng đều; đội ngũ giáo viên chưa phát huy hết tiềm năng... Để chữa "căn bệnh" này, ngành cần sớm hoàn thành việc rà soát, bổ sung quy hoạch hệ thống trường học, từng bước khắc phục việc thiếu trường tại khu vực đông dân cư.

Ngoài ra, cần thường xuyên rà soát chất lượng đội ngũ giáo viên nhằm bố trí họ phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ... Đồng thời, cơ quan chức năng cần tăng cường thanh, kiểm tra, kiên quyết xử lý các sai phạm trong môi trường sư phạm...

Ở một khía cạnh khác, các cơ quan chức năng cần siết chặt yêu cầu, điều kiện với các chủ đầu tư khu đô thị trong việc xây dựng hệ thống trường học để bảo đảm ít nhất số học sinh của khu đô thị, cụm chung cư đó có đủ chỗ học. Chỉ những địa phương cân đối được cơ sở trường, lớp thì mới được triển khai dự án nhà ở... Cùng với đó là có chế tài mạnh để không kéo dài thêm tình trạng chủ đầu tư hưởng "béo bở" từ dự án nhưng thiếu trách nhiệm với cộng đồng.

Để kéo giãn mật độ dân số và số học sinh ra các vùng, miền, thì quy hoạch các khu đô thị vệ tinh cần sớm được triển khai, chất lượng giáo dục phải đồng đều, đội ngũ giáo viên phải bảo đảm chất lượng... trên địa bàn toàn thành phố.

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó ngành Giáo dục là hạt nhân. Do đó, sự cộng hưởng trách nhiệm của các cấp, ngành chính là lời giải cho bài toán về cơ sở trường, lớp và chất lượng nguồn nhân lực của ngành Giáo dục Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự cộng hưởng trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.