Năm học mới 2024-2025 bắt đầu cũng là lúc câu chuyện tiền trường đầu năm rục rịch nóng ở các diễn đàn. Năm nào, cơ quan quản lý cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, nhắc nhở, nhưng đây vẫn là bài toán khó tìm lời giải.
Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước - hơn 2.900 trường học, gần 2,3 triệu học sinh, việc tăng tính minh bạch của từng khoản thu cùng những quy định liên quan là yêu cầu được Hà Nội quán triệt nhằm giảm hiện tượng lạm thu, hạn chế tối đa bức xúc.
Còn đó mối lo
Trước ngày khai giảng năm học mới 2024-2025, một vài diễn đàn của phụ huynh học sinh thành phố Hà Nội xôn xao câu chuyện được cho là diễn ra tại Trường Trung học cơ sở Vạn Phúc (huyện Thanh Trì). Theo thông tin phản ánh, trong cuộc họp phụ huynh diễn ra ngày 24-8, nhà trường thông báo thu 200.000 đồng/học sinh để làm phông bạt che nắng ở sân trường. Các phụ huynh cho rằng, với tổng số gần 1.000 học sinh, thì số tiền 200 triệu đồng để làm phông bạt chưa phù hợp. Ngoài ra, nhà trường còn thông báo, mỗi học sinh đóng 20.000 đồng/tháng để dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc cây xanh (không quét lớp học); đóng 50.000 đồng/tháng để in sao tài liệu nhưng giáo viên vẫn gửi file bài tập vào nhóm lớp để phụ huynh tự đi in...
Ngay khi thông tin được đăng tải, nhiều phụ huynh bày tỏ ý kiến lo ngại nguy cơ có thể đối diện với tình huống tương tự. Dường như năm nào, câu chuyện tiền trường đầu năm học cũng được phản ánh với nhiều bức xúc. Ghi nhận thực tế từ các sự việc cho thấy, sự bức xúc của phụ huynh học sinh không hẳn xuất phát từ việc phải đóng tiền cho con, mà vì sự thiếu minh bạch khi nhà trường tự đặt ra các khoản thu thiếu căn cứ, không hợp lý; hoặc cảm thấy “bắt buộc phải tự nguyện”. Thế nên mới có chuyện phụ huynh A đã nộp tiền trường, nhưng khi quá bức xúc không chịu nổi, thì cũng vẫn là phụ huynh đó “tố” nhà trường lạm thu.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, số 176 phố Nguyễn Sơn (quận Long Biên) cho rằng, không khó để “nhìn” ra các khoản thu không hợp pháp, cũng không mấy hợp lý, nhưng vì nhiều lẽ, trong đó có việc sợ con mình bị ảnh hưởng nên dù ấm ức, nhiều người vẫn bấm bụng nộp tiền cho xong việc.
Tăng cường giám sát, xử lý nghiêm sai phạm
Với quyết tâm ngăn chặn hiệu quả hiện tượng lạm thu, không để phụ huynh học sinh bức xúc, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường quản lý các khoản thu, đồng thời yêu cầu các nhà trường tăng tính minh bạch trong việc thực hiện thu chi các khoản và tăng cường sự giám sát nội dung này ngay từ những ngày đầu năm học.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) Lê Việt Dương cho biết, nhằm tạo sự minh bạch và đồng thuận, nhà trường tăng cường thông tin để phụ huynh học sinh nắm rõ quy định cụ thể từng khoản thu. Ví dụ, học phí năm học 2024-2025 của các trường công lập được áp dụng theo Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐND ngày 29-3-2024 của HĐND thành phố quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm học 2023- 2024, tức là vẫn áp dụng mức thu như năm học 2023-2024. Nhà trường cũng thông tin kỹ để cha mẹ học sinh nắm rõ, thực hiện đúng điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT. Có 7 khoản tiền nhà trường lưu ý ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất, an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp, trường; khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên; mua sắm thiết bị cho trường, lớp hoặc cho cán bộ, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ quản lý, dạy học; sửa chữa, xây mới các công trình.
Đây là năm học đầu tiên các trường học ở Hà Nội áp dụng Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐND ngày 29-3-2024 của HĐND thành phố quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục. Việc minh bạch các khoản thu với mức trần cụ thể để áp dụng thống nhất toàn thành phố là tin vui với các gia đình học sinh với kỳ vọng không còn hiện tượng cùng một khoản thu nhưng mỗi trường lại có mức thu khác nhau, hoặc mỗi trường tự đặt ra số lượng các khoản thu không giống nhau.
Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tân Tiến (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Thị Hồng Thúy cho biết, nhà trường tiếp tục công khai rộng rãi nội dung Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐND, bao gồm danh mục và mức thu, trong đó có các dịch vụ lần đầu tiên có trong danh mục được thành phố quy định như đưa đón học sinh bằng xe ô tô có mức thu 10.000 đồng/học sinh/km; hoạt động giáo dục kỹ năng sống (15.000 đồng/giờ dạy); chăm sóc, nuôi dưỡng ngoài giờ, bao gồm dịch vụ trông giữ trước và sau giờ học chính khóa, không bao gồm tiền ăn (12.000 đồng/học sinh/giờ)... Đây không chỉ là hành lang pháp lý để nhà trường triển khai các dịch vụ hỗ trợ theo nguyện vọng của gia đình học sinh, mà còn tăng cường sự tham gia giám sát của nhân dân. Từ đó, gia đình đồng hành với nhà trường để cùng thực hiện mục tiêu chăm sóc, giáo dục học sinh tốt nhất.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, Sở sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình thu chi ngay từ những ngày đầu năm học; kịp thời nắm bắt, xử lý thông tin phản ánh hiện tượng lạm thu; xử lý nghiêm đối với hiệu trưởng nhà trường có sai phạm.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng yêu cầu các nhà trường không thu gộp nhiều khoản trong cùng một thời điểm; không được thực hiện hoặc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định. Các phòng giáo dục và đào tạo công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh liên quan đến các hoạt động giáo dục, trong đó có thu chi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.