(HNM) - Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp không ngờ đã khiến Ủy ban Bầu cử tổng thống Ai Cập (PEC) phải quyết định kéo dài thời hạn bầu cử thêm một ngày, bất chấp những chất vấn về tính hợp pháp của động thái này.
Có hai lý do dẫn đến thực trạng bất ngờ này. Thứ nhất người dân Ai Cập không quá hào hứng với cuộc bầu cử mà họ đã biết trước kết quả. Lý do thứ hai là việc thanh niên, khối cử tri lớn nhất tại Ai Cập (37 triệu người), đã tẩy chay bỏ phiếu nhằm phản đối một số chính sách không được lòng dân của chính quyền lâm thời, trong đó có Luật biểu tình gây tranh cãi.
Sự ủng hộ của đông đảo dân chúng đã đưa ông A.el-Sisi đến chiếc ghế Tổng thống. |
Cả hai nguyên nhân trên đều không khiến ông A.el-Sisi, người vừa giành chiến thắng áp đảo với 95% phiếu bầu cảm thấy hài lòng. Vẫn biết sẽ dễ dàng đánh bại đối thủ cánh tả Hamdine Sabahi ngay từ khi bầu cử chưa bắt đầu, nhưng thống chế A.el-Sisi rất cần một chiến thắng ròn rã trong cuộc bỏ phiếu được đông đảo người dân hưởng ứng. Bằng cách đó, ông sẽ chứng minh tuyên bố rằng chính biến ngày 3-7 năm ngoái lật đổ cựu Tổng thống Mohamed Morsi không phải là cuộc đảo chính phi pháp mà là một cuộc cách mạng được thực hiện theo ý nguyện của nhân dân. Do đó, sự vắng lặng của các điểm bầu nên thắng lợi gần như tuyệt đối của cựu Bộ trưởng Quốc phòng tài năng này vẫn kém viên mãn. Thế nhưng, sự bất mãn của đông đảo giới trẻ - lực lượng chiếm hơn 50% trong số 85 triệu dân Ai Cập - mới thực sự là điều đáng lo ngại. Là cơ sở quan trọng đã làm nên các cuộc cách mạng hạ bệ cựu Tổng thống Hosni Mubarak và M.Morsi, thanh niên có tiếng nói không thể xem thường đối với bất kỳ một chính thể nào tại quốc gia Bắc Phi này. Ngay sau khi tuyên bố ứng cử, ông A.el-Sisi đã có cuộc gặp gỡ với các đại diện thanh niên tham gia "Mùa xuân Ai Cập" năm 2011 để trấn an quan ngại gia tăng trong giới trẻ rằng đất nước của các Pharaoh sẽ hướng tới một chính quyền quân sự một khi nằm dưới sự lãnh đạo của một cựu Bộ trưởng Quốc phòng. Thế nhưng, động tác chính trị chuyên nghiệp này có vẻ như chưa đủ xua tan nỗi hoài nghi trong giới trẻ. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Tổng thống mới đắc cử A.el-Sisi là bằng mọi cách phải gây dựng được niềm tin đối với tầng lớp thanh niên bằng một hệ thống chính sách dân chủ để bảo đảm rằng nguy cơ xứ sở Kim tự tháp sẽ quay lại con đường cũ là hoàn toàn không có cơ sở. Bằng không, cuộc cách mạng đường phố đưa chính trị gia 60 tuổi đến đỉnh cao quyền lực cũng có thể sẽ là cơn sóng dữ nhấn chìm mọi thành quả vẫn còn khá mong manh của ông.
Dẫu vậy, nhìn nhận một cách công bằng thì Tổng thống mới đắc cử Ai Cập có không ít thuận lợi. Nếu như chưa có cơ hội để lấy lòng đa số giới trẻ thì ông A.el-Sisi đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của phần đông dân chúng. Thường được so sánh với cố Tổng thống được người dân Ai Cập rất mực yêu mến Gamal Abdel-Nasser, cựu quân nhân lão luyện chinh phục cử tri không phải bằng các chiến dịch vận động tranh cử rầm rộ hay những bài tranh luận nảy lửa trên truyền hình mà là thành tích quân ngũ đáng nể của mình. Có khuynh hướng dân tộc mạnh mẽ, đối với nhiều người, Tổng thống mới đắc cử A.el-Sisi là hiện thân của nhà lãnh đạo đã cứu Ai Cập khỏi nguy cơ Hồi giáo hóa từ các chính sách hà khắc cổ điển của Tổ chức Anh em Hồi giáo với đại diện là cựu Tổng thống M.Morsi. Khi dân chúng đã chán ngấy với các cuộc biểu tình triền miên trong thời gian cầm quyền ngắn ngủi hơn một năm của ông M.Morsi thì sự xuất hiện của ông A.el-Sisi đã giúp quốc gia Bắc Phi ngăn chặn một cuộc nội chiến. Ông đồng thời cũng được xem như một vị cứu tinh, người duy nhất có khả năng tái lập an ninh và khôi phục trật tự đã ở mức báo động tại Ai Cập.
Do đó, ngay cả với những người chưa tặng ông một lá phiếu thì hầu hết đều phải thừa nhận rằng, trong bối cảnh một đất nước đầy rẫy bất ổn thì không có nhân vật nào thích hợp hơn ông A.el-Sisi để ngồi vào chiếc ghế Tổng thống. Đơn giản vì an ninh và ổn định là điều kiện tiên quyết để Ai Cập khôi phục nền kinh tế với gần 40% dân số đang sống ở mức cận nghèo đói. Người dân quốc gia Bắc Phi này cũng hy vọng rằng, tính kỷ luật và quyết đoán của một quân nhân cao cấp sẽ là phẩm chất cần thiết của vị chỉ huy có khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua những khó khăn của một nền kinh tế có mức lạm phát lên tới 12%, thất nghiệp 13%, đầu tư nước ngoài sụt giảm trầm trọng và doanh thu từ du lịch mất trắng gần 50%. Vì vậy, chiến thắng trong cuộc bầu cử thực chất cũng là sự bắt đầu cho những thử thách đang chờ đợi Tổng thống mới đắc cử A.el-Sisi. Song, đây cũng là sự mở đầu cho ước mơ phồn vinh trên quê hương của các Pharaoh huyền thoại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.