Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sóng thần tại Indonesia: Tai họa bất ngờ

Hoàng Linh| 25/12/2018 06:20

(HNM) - Cơ quan Địa vật lý, Khí tượng học và Khí hậu học Indonesia (BMKG) cho biết, cơn sóng thần xảy ra vào lúc 21h30 ngày 22-12 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các khu vực eo biển Sunda...

Tính đến ngày 24-12, số người thiệt mạng trong thảm họa đã tăng lên ít nhất 373 người, trong khi số người mất tích là 128 người, số người bị thương cũng lên hơn 1.500 người.

Số người chết trong thảm kịch sóng thần ở Indonesia có thể còn tăng.


Đây là thảm kịch mới nhất tại Indonesia trong năm nay. Trước đó, các trận động đất liên tiếp đã san phẳng nhiều khu vực trên đảo du lịch Lombok, trong khi cuối tháng 9-2018, một vụ động đất kèm sóng thần đã tấn công TP Palu (Sulawesi) làm khoảng 2.000 người thiệt mạng. Tuy nhiên, sự khác biệt lớn nhất là cơn sóng thần lần này đến hết sức bất ngờ, khiến chính quyền và người dân ở những khu vực bị ảnh hưởng không kịp phản ứng. Trưởng Bộ phận Động đất và Sóng thần của BMKG, ông Rahmat Triyono cho biết, việc núi lửa Anak Krakatau (nằm giữa đảo chính Java và Sumatra) phun trào đã gây ra sụt lún đất quy mô lớn dưới lòng biển, đẩy lượng nước khổng lồ tràn lên bờ. Tuy nhiên, do đất lở ngầm không tạo ra đủ rung chấn như động đất, nên toàn bộ hệ thống cảnh báo đều không được kích hoạt. Mặt khác, do Anak Krakatau vẫn thường xuyên tạo ra những cột tro bụi cao hàng trăm mét suốt từ đầu tháng và lại nằm xa đất liền nên người dân tại các vùng bị ảnh hưởng hầu như không đề phòng.

Bên cạnh đó, dù khẳng định hệ thống cảnh báo động đất của Indonesia vẫn đang hoạt động tốt nhưng theo Người phát ngôn cơ quan Ứng phó thiên tai quốc gia Indonesia (BNBP) Sutopo Purwo Nugroho, hệ thống phao sóng thần đã không hoạt động từ năm 2012 do “bị phá hoại, hạn chế ngân sách và hỏng hóc về mặt kỹ thuật”. Sự kết hợp giữa tính bất ngờ của tự nhiên và hệ thống cảnh báo kém hiệu quả đã ảnh hưởng tới công tác dự báo, khiến chính quyền Indonesia lúng túng trong việc cảnh báo, sơ tán người dân. Thậm chí, tuyên bố ban đầu của BNBP còn cho hay, không hề có sóng thần mà chỉ là một đợt thủy triều dâng cao và kêu gọi công chúng không hoảng sợ.

Thực tế, sóng thần do đất lở ngầm tuy không phổ biến như sóng thần sinh ra bởi động đất nhưng không phải là hiện tượng mới mẻ. Năm 1883, chính sự phun trào của núi lửa Anak Krakatau đã tạo ra cột tro bụi và sóng thần, cướp đi sinh mạng của ít nhất 36.417 người. Năm 1998, một vụ lở ngầm tại Papua New Guinea cũng gây ra sóng thần khiến hơn 2.200 người thiệt mạng. Trước đó, một vụ tương tự cũng xảy ra tại Alaska (Mỹ) vào năm 1958. Kiểu sóng thần này tuy có quy mô nhỏ và không di chuyển xuyên đại dương như sóng thần sinh ra bởi động đất, nhưng lại đặc biệt nguy hiểm bởi tính chất bất thường và khó dự báo trước. Mặt khác, thời gian từ khi đất lở ngầm tới khi nước tràn lên bờ thường rất ngắn khiến công tác ứng phó là gần như không thể. Bản thân các cư dân ven biển cũng không nhìn thấy hoặc cảm nhận được các dấu hiệu như nước rút hoặc đất rung chuyển trước khi những con sóng lớn ập vào bờ.

BNBP nhận định, số người thương vong trong thảm họa này sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh lực lượng cứu hộ vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người còn sống sót đang bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của các ngôi nhà. Chính quyền Indonesia đang khuyến cáo người dân và du khách tránh xa các bãi biển giáp eo biển Sunda, đồng thời đề nghị những người sơ tán chưa nên về nhà vào thời điểm này vì núi lửa Anak Krakatau còn hoạt động, có thể dẫn tới những vụ sóng thần khác.

Thảm họa một lần nữa minh chứng sức mạnh khủng khiếp và khó lường của thiên nhiên. Vì thế, việc đầu tư và đảm bảo hoạt động của những thiết bị cảnh báo sớm, cũng như sẵn sàng các phương án ứng phó khẩn cấp là điều cần thiết, đặc biệt với những quốc gia nằm trong vùng ảnh hưởng của các vành đai lửa dưới lòng đại dương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sóng thần tại Indonesia: Tai họa bất ngờ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.