(HNM) - Sự kiện nhà báo Jamal Khashoggi mang quốc tịch Saudi Arabia (đang làm các thủ tục để trở thành công dân Mỹ) mất tích tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đã khiến mối quan hệ giữa Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia trở nên căng thẳng.
Nhà báo Khashoggi mất tích từ ngày 2-10 sau khi vào tòa Lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ. Các nguồn tin chưa được kiểm chứng cho rằng, nhà báo Khashoggi từng viết bài chỉ trích việc Saudi Arabia can dự vào tình hình chiến sự tại Yemen và nhiều khả năng ông này đã bị sát hại bên trong tòa lãnh sự, điều mà phía Riyadh khẳng định là “vô căn cứ”.
Giới truyền thông tụ tập trước cửa tòa Lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ - nơi được cho là địa điểm nhà báo Khashoggi mất tích. |
Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia từ trước đến nay vẫn giữ mối quan hệ thân thiện. Thế nhưng, vụ việc nhà báo Khashoggi đã đẩy quan hệ hai nước đến bờ vực căng thẳng và hé lộ những bất đồng âm ỉ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.Erdogan liên tục thách thức Saudi Arabia phải giải thích về sự biến mất của nhà báo Khashoggi.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho rò rỉ thông tin rằng, họ có video và băng ghi âm chứng tỏ nhà báo Khashoggi đã bị sát hại, ám chỉ chính quyền Riyadh đứng sau vụ việc. Cùng với đó, Ankara đã thông báo việc thành lập đội điều tra chung với Riyadh về vụ việc trên, xuất phát từ đề nghị của Saudi Arabia.
Ngày 13-10, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích Saudi Arabia không hợp tác, đặc biệt là việc không cho phép các nhà điều tra tiếp cận với Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul, nơi nhà báo này xuất hiện lần cuối cùng hôm 2-10.
Đáp lại, Bộ trưởng Nội vụ Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Saud bin Naif bin Abdulaziz đã lập tức bác bỏ cáo buộc của Ankara. Thái tử Mohammed bin Salman thì kiên quyết rằng ông Khashoggi đã rời lãnh sự quán nhưng không đưa ra bằng chứng.
Dẫu Riyadh đã bác bỏ mạnh mẽ những cáo buộc, song vụ việc bắt đầu tác động tới tâm lý các nhà đầu tư tại Saudi Arabia, cũng như các mối quan hệ ngoại giao, kinh tế của nước này, trong đó có quan hệ với Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng cường áp lực đối với Saudi Arabia, nhằm buộc nước này cung cấp thêm thông tin về nhà báo bị mất tích Khashoggi.
Trong một tuyên bố mới nhất, ông chủ Nhà Trắng cho rằng, Riyadh có thể đứng đằng sau vụ mất tích của ông Khashoggi, đồng thời cảnh báo nếu thực sự như vậy, chính quyền Mỹ “sẽ có sự trừng phạt nghiêm khắc”. Quốc hội Mỹ cũng đã gây áp lực lên chính quyền Tổng thống D.Trump đòi có hành động cứng rắn với Saudi Arabia, bao gồm đình chỉ xuất khẩu vũ khí và xét lại quan hệ song phương nếu trách nhiệm của nước này được chứng minh.
Thực tế, trước vụ Khashoggi, giới lập pháp Mỹ đã đình chỉ ít nhất 4 thỏa thuận bán thiết bị quân sự cho quốc gia Trung Đông sau khi chiến dịch không kích của liên quân do Riyadh dẫn đầu ở Yemen gây thương vong cho dân thường.
Tuy nhiên, theo Tổng thống D.Trump, sẽ không có chuyện trả đũa kinh tế cũng như hạn chế bán vũ khí cho Saudi Arabia. Nếu làm như vậy cũng đồng nghĩa với một sự tự trừng phạt, trong khi Mỹ vẫn có những lựa chọn khác “vô cùng quyền uy và mạnh mẽ”. Tuyên bố của người đứng đầu nước Mỹ được giới chuyên gia nhìn nhận như một “gáo nước lạnh” dội vào mối quan hệ đồng minh vốn đang lung lay giữa Mỹ và Saudi Arabia.
Vụ mất tích của nhà báo Khashoggi giờ không đơn thuần là trong phạm vi vụ việc của một quốc gia. Dù chính quyền Washington đang tìm cách xoa dịu khi xác nhận Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin sẽ vẫn tới Riyadh để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh “Sáng kiến đầu tư tương lai” lần thứ 2 theo kế hoạch từ ngày 23 đến 25-10 tới, thì quan hệ Mỹ - Saudi Arabia được dự báo sẽ khó tránh khỏi sóng gió, đồng thời căng thẳng giữa Ankara và Riyadh bắt đầu có dấu hiệu tăng nhiệt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.