LTS: Trong những năm qua, việc quy hoạch nhà ở công nhân đã được thực hiện tại nhiều địa phương trong cả nước, điển hình là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, để hiện thực hóa giấc mơ nhà ở cho công nhân lao động rất cần sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của chính quyền các cấp và doanh nghiệp.
Khu nhà ở cho công nhân tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh) mới đáp ứng khoảng 11.520 chỗ ở cho công nhân, lao động Khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Bá Hoạt |
Hiện nay, số lượng lao động làm việc tại các khu công nghiệp tập trung ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh luôn tăng qua mỗi năm, vì thế nhu cầu về nhà ở xã hội là rất cấp thiết. Tuy nhiên, vì nguồn cung loại nhà này chưa đáp ứng yêu cầu nên không ít công nhân phải chịu cảnh sống tạm bợ trong các nhà trọ giá rẻ.
Nguồn cung thấp so với nhu cầu
Hà Nội là một trong hai trung tâm thu hút lao động di cư lớn nhất cả nước, cũng là địa phương đi đầu trong nỗ lực hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động. Tuy vậy, việc xây nhà ở cho công nhân chưa phù hợp nhu cầu đã khiến nhiều công nhân bỏ ra ngoài thuê nhà trọ.
Chị Lê Thị Hà, công nhân Công ty TNHH Linh kiện điện tử Sei Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội) sống cùng chồng trong căn phòng rộng hơn 10m2, mái lợp fibro xi măng, mùa hè thì nóng bức, mùa đông thì lạnh thấu xương với giá thuê 900 nghìn đồng/tháng (ở thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh)... Trước đây, chị Lê Thị Hà đã từng sống trong khu nhà ở của thành phố dành cho công nhân độc thân, tuy giá thuê phòng khá rẻ (120 nghìn đồng/người/tháng), điện, nước ổn định nhưng mỗi phòng ở từ 10 đến 15 người, sử dụng chung một nhà vệ sinh, ồn ào, bất tiện. Vì thế, đến khi xây dựng gia đình, vợ chồng chị đã thuê nhà trọ bên ngoài để bảo đảm riêng tư.
Ở khu chung cư dành cho gia đình công nhân, tuy có giá thuê khá rẻ nhưng cũng có nhiều bất cập. Ngoài một trường mẫu giáo cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu gửi con của các gia đình, chung cư không có nhà trẻ, trường học, trạm y tế, cửa hàng thuốc, siêu thị... Đây là nguyên nhân khiến hầu hết con công nhân sau 1 tuổi phải rời xa bố mẹ về quê sống với ông bà. Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Thị Tuyến, đến nay thành phố mới đáp ứng được hơn 10% nhu cầu nhà ở cho công nhân.
Tại TP Hồ Chí Minh, ước mơ sở hữu căn nhà giá rẻ dành cho công nhân ngày càng khó khăn vì hiện nay ngay cả những căn hộ hạng C giá dưới 1 tỷ đồng cũng vắng bóng trên thị trường. Công nhân lưu trú chủ yếu tại các khu nhà trọ trong khu dân cư với chất lượng hạn chế, không bảo đảm điều kiện vệ sinh, an ninh và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Anh Trần Thanh Nhiễn (39 tuổi, đến từ Kiên Giang) hiện làm cho Công ty TNHH May mặc CS Vina (tại ấp Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) đang sống trong căn nhà trọ rộng 14m2 với vợ và hai con nhỏ. "Gần 7 năm sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, ước mơ của tôi là mua được một căn hộ giá rẻ trả góp để sớm ổn định cuộc sống, nhưng thực tại điều đó còn khá xa vời..." - anh Nhiễn chia sẻ.
Theo ước tính, đến năm 2020, số công nhân lao động tại khu chế xuất, khu công nghệ cao trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tăng lên khoảng 377.389 người. Trong đó có khoảng 70% công nhân đến từ các địa phương khác và khoảng 50% số công nhân này có nhu cầu thuê nhà ở. Trong khi từ năm 2006 đến 2016, tại TP Hồ Chí Minh chỉ có 14 dự án nhà ở cho công nhân xây dựng, cung cấp được hơn 5.100 căn hộ.
Nhiều dự án chưa phù hợp, chậm tiến độ
Dãy nhà trọ công nhân ở thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội. |
Theo báo cáo của Ban Quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, tổng nguồn cung chỗ ở cho công nhân, lao động trong thành phố là 22.420. Trong đó, khu nhà ở cho công nhân do thành phố đầu tư xây dựng tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh) có diện tích 20ha, đáp ứng khoảng 11.520 chỗ ở cho công nhân, lao động Khu công nghiệp Thăng Long. Dự án khu nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) và 2 khu nhà ở của doanh nghiệp đã hoàn thiện dành cho khoảng 6.000 người. Tuy nhiên, nhà ở hoặc không phù hợp hoặc giá thuê cao so với thu nhập của người lao động nên mới có 64-70% số phòng được thuê.
Bên cạnh đó, tại Hà Nội đã xảy ra tình trạng dự án nhà ở được quy hoạch đầu tư cho công nhân nhưng chậm tiến độ. Đơn cử, dự án khu chung cư cao tầng và nhà ở cho công nhân khu công nghiệp của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng số 18 ở xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) có quy mô gần 16ha, được quy hoạch từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn bỏ đất không, cỏ mọc lút đầu người...
Còn ở TP Hồ Chí Minh, mới đây, hàng trăm cư dân tìm đến Quỹ Phát triển nhà thành phố - chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại địa chỉ 35 Hồ Học Lãm, quận Bình Tân để đòi nhà. Các cư dân cho biết, dự án giao cho Công ty cổ phần Địa ốc Hoàng Quân thi công nhưng bàn giao nhà chậm 1 năm, 3 tháng. Được biết, đơn vị này triển khai rất nhiều dự án nhà ở xã hội ở nhiều tỉnh, thành phố nên dự án đã thi công phải tạm ngưng do thiếu vốn.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có 14 dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ. Nguyên nhân là do một số chủ đầu tư không huy động được nguồn vốn bên ngoài như dự kiến, chưa được ngân hàng cam kết cho vay dẫn đến chậm tiến độ.
Mặt khác, do thời gian hỗ trợ lãi suất vay vốn kích cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tối đa là 7 năm, trong khi thời gian thu hồi vốn dự án có thể đến 10-15 năm nên doanh nghiệp không mặn mà đầu tư. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có những giải pháp đột phá nhằm triển khai các dự án đầu tư theo kế hoạch, đáp ứng điều kiện sống cơ bản cho công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.