Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sớm đưa du lịch trở lại thời hoàng kim

Hoàng Lân| 22/01/2021 06:19

(HNM) - Năm 2021, ngành Du lịch Việt Nam xác định tập trung phát triển thị trường nội địa, sẵn sàng đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép. Cùng với nhiều đơn vị khác, lữ hành đóng vai trò là “mắt xích” để kết nối các đơn vị... Hiện các đơn vị lữ hành đang nỗ lực, tăng cường liên kết, liên minh để giải quyết những hạn chế, tồn tại, khắc phục khó khăn do tác động của dịch Covid-19, sớm đưa ngành Du lịch trở lại thời hoàng kim.

Tại Diễn đàn “Lữ hành Việt Nam - Giải pháp phục hồi và phát triển”, Liên minh kích cầu du lịch miền Bắc và miền Nam ký kết nhiều chương trình liên kết, chia sẻ để phát triển du lịch trong năm 2021.

Còn lỏng lẻo trong hoạt động liên kết

Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tính đến năm 2019, cả nước có 3.339 doanh nghiệp lữ hành, đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16,2% so với năm 2018), phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa. Dịch Covid-19 bùng phát năm 2020 đã làm cho hơn 90% doanh nghiệp lữ hành ngừng hoạt động, 338 doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép, nhiều lao động phải nghỉ việc.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, hiện vẫn còn rất nhiều đơn vị lữ hành “lao đao”, song lữ hành vẫn đóng vai trò rất quan trọng, góp phần hiệu quả vào chương trình kích cầu du lịch nội địa. Ngay khi Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động chương trình kích cầu du lịch, đã có hàng trăm doanh nghiệp lữ hành đăng ký tham gia liên minh kích cầu, tạo hiệu quả bước đầu trong việc phục hồi thị trường.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của liên minh kích cầu du lịch, trong đó lữ hành đóng vai trò chủ chốt bộc lộ không ít hạn chế, tồn tại. Điều này được các đơn vị lữ hành nhìn nhận một cách thẳng thắn. Giám đốc Công ty Lữ hành Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho rằng, nhược điểm trong hoạt động của khối liên minh, liên kết là thời gian kích cầu ngắn, dẫn đến hạn chế về truyền thông và bán sản phẩm; còn có sự “lệch pha” trong hoạt động xúc tiến, quảng bá, kích cầu giữa các bên. Đáng nói là, xuất hiện tình trạng phá cam kết của các nhà cung cấp dịch vụ; hình thành thêm liên minh cạnh tranh với nhau làm phá vỡ trật tự kinh doanh, gây hỗn loạn thị trường. Đấy là nguy cơ có thể khiến việc liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành khó thành công như mong đợi. 

Đồng tình với quan điểm “Cần có sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động lữ hành”, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho biết, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp “nhái” sản phẩm của nhau, dẫn đến nhiều sản phẩm du lịch na ná, chưa hấp dẫn được du khách. “Ngoài ra, chương trình kích cầu du lịch mới chỉ thấy sự tham gia của các đơn vị lữ hành lớn và các hãng hàng không, liên kết còn lỏng lẻo giữa các đơn vị vừa và nhỏ”, ông Phùng Quang Thắng cho biết thêm.

Tăng cường vai trò dẫn dắt

Năm 2021, ngành Du lịch Việt Nam đã nhìn nhận và xác định rõ kịch bản để khôi phục thị trường, trong đó tập trung xây dựng thị trường nội địa, sẵn sàng đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép. Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, để thúc đẩy phát triển du lịch, thời gian tới, các doanh nghiệp lữ hành phải phát huy vai trò dẫn dắt, tái cấu trúc, tái cơ cấu lại chính mình. “Muốn làm được điều đó, các đơn vị phải tìm hiểu lại thị trường và nhu cầu của khách, kích hoạt lại du lịch nội địa. Đồng thời các doanh nghiệp lữ hành cùng các đơn vị liên kết cần tạo được sản phẩm hấp dẫn, chất lượng và kết nối tiêu thụ sản phẩm”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Bàn thêm giải pháp tăng hiệu quả của hoạt động liên kết, liên minh các đơn vị lữ hành trong chương trình kích cầu du lịch nội địa năm 2021, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietravel Nguyễn Thị Lê Hương cho biết, các doanh nghiệp du lịch cần tập hợp lại và cùng xây dựng các chương trình kích cầu với chuỗi sản phẩm, dịch vụ mang tính tương trợ cho nhau, bảo đảm không phá cam kết. Còn Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, các đơn vị cần tạo ra sản phẩm du lịch mang tính riêng biệt, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, tiếp thị, quảng bá.

Tại Hà Nội, hoạt động liên minh, liên kết giữa các đơn vị cũng được triển khai mạnh mẽ. Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội và Trung tâm Xúc tiến, đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội đã “bắt tay” thực hiện nhiều thỏa thuận liên kết, trước mặt là chương trình kích cầu du lịch nội địa Hà Nội, dự kiến tổ chức vào tháng 3-2021. Trưởng phòng Xúc tiến du lịch, Trung tâm Xúc tiến, đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Hữu Việt bày tỏ, việc liên kết giữa khối lữ hành với nhiều đơn vị để tạo ra sản phẩm du lịch mới, hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả cho khôi phục thị trường du lịch Thủ đô nên cần duy trì.

Năm 2021, du lịch Việt Nam tập trung đẩy mạnh thị trường nội địa, làm động lực cho sự phục hồi. Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, sự đồng lòng, chung sức của các đơn vị, trong đó có lữ hành với quyết tâm hành động theo phương châm “Liên kết, hành động và phát triển”, ngành Du lịch Việt Nam kỳ vọng sẽ sớm phục hồi và trở lại đà tăng trưởng hoàng kim như năm 2019.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sớm đưa du lịch trở lại thời hoàng kim

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.