Du lịch

"Đòn bẩy" để du lịch Việt Nam tăng tốc

Hoàng Lân 06/03/2024 - 06:38

Sự kiện Năm du lịch quốc gia 2024 được tổ chức tại tỉnh Điện Biên, gắn với kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Bên cạnh kỳ vọng góp phần xây dựng Điện Biên trở thành trung tâm du lịch của vùng trung du miền núi Bắc Bộ, sự kiện cũng mang đến nhiều cơ hội thúc đẩy liên kết giữa tỉnh Điện Biên với các vùng du lịch, trở thành "đòn bẩy" để du lịch Việt Nam tăng tốc.

du-lich-db.gif
Hội Lữ hành Hà Nội và Câu lạc bộ Du lịch bền vững VGreen liên tục tổ chức các tour du lịch đến Điện Biên. Ảnh: Anh Vũ

Sức hút cho du lịch Tây Bắc

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Năm du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 có chủ đề “Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận”. Là tỉnh biên giới thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, Điện Biên có nguồn lực văn hóa, du lịch dồi dào khi hội tụ 19 dân tộc, sở hữu nhiều tài nguyên di sản văn hóa, thiên nhiên hấp dẫn. Vì thế, việc Điện Biên đăng cai Năm du lịch quốc gia 2024 được đánh giá là sự kiện văn hóa - kinh tế - xã hội, có quy mô quốc gia và tầm quốc tế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng cho biết, việc tổ chức Năm du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 sẽ là “cú hích” quan trọng giúp cho kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên khởi sắc, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam. Vì thế, trong số 169 sự kiện du lịch được tổ chức trên cả nước năm 2024, tỉnh Điện Biên chủ trì tổ chức 28 chương trình, sự kiện, hoạt động. Bên cạnh điểm nhấn là lễ khai mạc gắn với tổ chức Lễ hội Hoa ban năm 2024 (diễn ra ngày 16-3) còn có các hoạt động đáng chú ý: Chương trình nghệ thuật đặc biệt và bắn pháo hoa tầm cao (diễn ra tối 6-5); Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (tổ chức sáng 7-5)...

Hiện nay, bên cạnh tài nguyên du lịch văn hóa gắn với các địa điểm lịch sử trên địa bàn như: Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ - Mường Phăng; các cứ điểm Him Lam, Bản Kéo, Độc Lập; các đồi A1, C1, D1, E1 và khu trung tâm tập đoàn cứ điểm của Pháp..., tỉnh Điện Biên đang tạo điểm nhấn cho du lịch Tây Bắc với nhiều sản phẩm du lịch mới, khai thác từ thế mạnh tài nguyên thiên nhiên. Nhiều sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, trải nghiệm, chăm sóc sức khỏe đã được hình thành...

Mở rộng liên kết vùng

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết, những năm gần đây, Điện Biên đã liên kết với nhiều đơn vị lữ hành, xây dựng các sản phẩm du lịch mới mang tính liên kết vùng, như: Caravan (du lịch tự lái xe) tuyến Hà Nội - Sơn La - Điện Biên; tour du lịch về mùa hoa ban...

Để chuẩn bị khai thác dòng khách lớn trong Năm du lịch quốc gia - Điện Biên 2024, Phó Chủ tịch Liên chi hội lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, tỉnh Điện Biên cần sớm kết nối với các đơn vị lữ hành để có chiến lược quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương.

Còn theo Trưởng ban Lữ hành Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO, Giám đốc Công ty Lữ hành VietSense Nguyễn Văn Tài, từ tháng 3-2024, du khách đặt các dịch vụ đi Điện Biên sẽ tăng, trong đó có lượng lớn khách ở Hà Nội. Muốn du khách trải nghiệm lâu hơn, tỉnh Điện Biên cần tăng cường liên kết với các tỉnh trong vùng Tây Bắc, xây dựng sản phẩm du lịch liên tuyến xuất phát từ Hà Nội.

Hiện nay, để hưởng ứng Năm du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 cũng như khai thác tốt lượng khách đến tỉnh này, các hãng hàng không đã mở đường bay, tăng chuyến từ Hà Nội đi Điện Biên. Hãng hàng không Vietjet đã mở đường bay thẳng Hà Nội - Điện Biên từ ngày 1-3. Hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines cũng tăng gấp đôi tần suất bay, nâng số lượng chuyến bay từ Hà Nội đến Điện Biên mỗi ngày lên 2 chuyến.

Năm du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 sẽ khai mạc vào tối 16-3, được kỳ vọng sẽ thu hút lượng du khách đông đảo đến với Điện Biên. Tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu, trong Năm du lịch quốc gia sẽ thu hút được 1,3 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt 2.200 tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, Năm du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 sẽ là “đòn bẩy” không chỉ phát triển du lịch Điện Biên mà còn góp phần tăng sức hấp dẫn cho du lịch Việt Nam với bạn bè quốc tế. Vì thế, tỉnh Điện Biên cần nhanh chóng khắc phục những khó khăn, tồn tại về hạ tầng, lưu trú, nguồn nhân lực; tuyên truyền để cộng đồng các dân tộc cùng tham gia góp sức đón tiếp du khách, có ứng xử văn minh để tăng sức hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Điện Biên nói riêng và Việt Nam nói chung.

van-sieu.gif

Cục phó Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu:

Tạo đột phá bằng nhiều sản phẩm trải nghiệm

Tỉnh Điện Biên hiện có 33 di tích lịch sử được xếp hạng; 18 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có nghệ thuật xòe Thái và thực hành then của người Tày, Nùng, Thái được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây cũng là tỉnh duy nhất trong các tỉnh Tây Bắc có sân bay kết nối với Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống giao thông đường bộ kết nối các tỉnh trong khu vực được quan tâm đầu tư, mở rộng... Những yếu tố quan trọng này là tiền đề để Điện Biên có thể phát triển thành trọng điểm du lịch của vùng Tây Bắc.

Trong Năm du lịch quốc gia 2024, Điện Biên với vai trò là địa phương đăng cai cần phải thể hiện rõ năng lực trong khâu tổ chức, kết nối, xây dựng những sản phẩm mới mang tính đột phá cho vùng Tây Bắc, có khả năng liên kết rộng với những trung tâm du lịch lớn trên cả nước… Để làm được điều đó, bên cạnh khai thác những dòng sản phẩm dựa trên những di tích lịch sử, kháng chiến, Điện Biên cần có thêm những hoạt động trải nghiệm mới cả ban ngày và đêm cho du khách.

thanh-thao.gif

Chủ tịch Chi hội lữ hành Hà Nội (Hiệp hội Du lịch Hà Nội) Lê Thanh Thảo:

Sớm có chính sách truyền thông, kích cầu

Hiện nay, các sản phẩm “Về nguồn” của tỉnh Điện Biên đang được nhiều du khách lựa chọn, đặc biệt vào tháng 3 với “đặc sản” là Lễ hội Hoa ban. Tỉnh Điện Biên cần tiếp tục duy trì những dòng sản phẩm chủ đạo này, coi đó là then chốt để thu hút du khách. Thời điểm này, Điện Biên cần tăng cường công tác truyền thông, quảng bá về Năm du lịch quốc gia 2024 bằng nhiều hình thức như quảng cáo trên các hãng hàng không, liên kết với các đơn vị lữ hành uy tín nhanh chóng thông tin, giới thiệu tới du khách.

Để tăng sức hút cho du lịch Điện Biên, tỉnh cần có những chính sách ưu đãi, kích cầu phù hợp để các đơn vị lữ hành phối hợp triển khai xây dựng những sản phẩm, tour du lịch mới hiệu quả. Đồng thời, có thêm những sản phẩm liên kết vùng hiệu quả, chẳng hạn như khám phá Điện Biên - Lai Châu; Điện Biên - Sơn La… hay các dòng sản phẩm du lịch biên giới giữa Điện Biên - Lào, Điện Biên - Vân Nam (Trung Quốc) để kéo dài thời gian lưu trú, trải nghiệm cho du khách, từ đó mới đẩy mạnh phát triển du lịch cho toàn vùng Tây Bắc.

vu-quynh.gif

Bà Vũ Quỳnh Anh - thành viên Ban Chấp hành Câu lạc bộ Du lịch MICE Việt Nam:

Cơ hội để thu hút du lịch MICE

Du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện) đang là một trong những chiến lược được du lịch Việt Nam tập trung, phát triển mạnh để thu hút dòng khách hạng sang hiệu quả. Với ý nghĩa Năm du lịch quốc gia 2024 gắn với kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các công ty, đơn vị, đoàn thể có thể đến Điện Biên tổ chức sự kiện kết hợp với chương trình giáo dục truyền thống, về nguồn ý nghĩa. Tỉnh Điện Biên nên tận dụng việc đăng cai Năm du lịch quốc gia 2024 thu hút dòng khách này. Muốn vậy, tỉnh cần phải có sự chuẩn bị kỹ về công tác tuyên truyền, cơ sở hạ tầng, trong đó cần chú ý đến việc nâng cấp cơ sở lưu trú, các trung tâm tổ chức sự kiện.

Hiện nay, Điện Biên đã hình thành các khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, tuy nhiên, điểm yếu của tỉnh là cơ sở lưu trú còn khá hạn chế, ít khách sạn 4-5 sao. Tỉnh Điện Biên nên xây dựng chiến lược truyền thông riêng cho những đơn vị, đoàn thể; nâng cao chất lượng du lịch cộng đồng để du khách có trải nghiệm gần gũi, hài lòng.

Hoàng Quyên ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Đòn bẩy" để du lịch Việt Nam tăng tốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.