(HNM) - Đất nước ta có lịch sử hào hùng hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đánh giá đúng tầm quan trọng của lịch sử, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến công tác nghiên cứu và giáo dục lịch sử, qua đó góp phần vun trồng những thế hệ người Việt sống có ý thức, trách nhiệm phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.
Nhìn lại tiến trình lịch sử dân tộc, việc chép sử đã được ông cha ta rất coi trọng. Kho tàng sử học trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc phải kể đến bộ “Đại Việt sử ký” dưới thời nhà Trần (1225-1400) do nhà sử học Lê Văn Hưu biên soạn. Dù đã bị thất truyền nhưng đây được xem là bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam. Cũng phải kể đến bộ sử “Đại Việt sử ký toàn thư” - hoàn thành vào thời nhà Hậu Lê (1428-1789), do Ngô Sĩ Liên cùng nhiều sử gia nổi tiếng thời Lê biên soạn. “Đại Việt sử ký toàn thư” là bộ chính sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến nay.
Rất coi trọng lịch sử dân tộc, trong thời hiện đại, chúng ta cũng có nhiều bộ sử nổi tiếng được biên soạn, xuất bản. Nổi bật gần đây là bộ sách “Lịch sử Việt Nam” gồm 15 tập do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam biên soạn và giới thiệu vào năm 2017, nội dung phản ánh lịch sử dân tộc ta từ khởi thủy đến năm 2000. Đây là bộ thông sử Việt Nam đồ sộ nhất từ trước đến nay, kế tục những tri thức cơ bản trong các công trình nghiên cứu và sách đã xuất bản trước đây về lịch sử Việt Nam. Bộ sách đã đoạt “Giải vàng” sách hay năm 2015.
Đáng chú ý, Đề án Khoa học xã hội cấp quốc gia “Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam” (còn gọi là bộ Quốc sử), gồm 25 tập thông sử và 5 tập biên niên sự kiện lịch sử, do Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì phê duyệt và tổ chức thực hiện, hiện đã được nghiệm thu cấp Nhà nước. Quá trình nghiên cứu, biên soạn bộ Quốc sử, gần 300 nhà khoa học đã quán triệt, thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về lịch sử dân tộc, trên cơ sở khoa học, biện chứng, khách quan, toàn diện, cụ thể và tôn trọng sự thật lịch sử. Hiện bộ Quốc sử tiếp tục được hoàn chỉnh, bảo đảm chất lượng, tính thống nhất trước khi xuất bản chính thức.
Phải khẳng định, các nghiên cứu khoa học, bộ sách lịch sử của nước ta đã được xuất bản là kết tinh của “hồn thiêng sông núi”, có giá trị không chỉ về mặt học thuật, tư tưởng, nghiên cứu, mà còn góp phần quan trọng cho việc giáo dục lịch sử trong các nhà trường. Lịch sử đã không đơn thuần là một môn học, mà mang ý nghĩa lớn lao hơn là bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, các giá trị lịch sử đúng đắn của dân tộc.
Khẳng định vị thế, tầm quan trọng và ý nghĩa của ngành sử học, tại buổi gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tại Phủ Chủ tịch diễn ra vào sáng 3-6 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Nghiên cứu lịch sử không phải để đi tìm quá khứ mà là để tiến về tương lai, để hiểu được quy luật vận động của xã hội, của lịch sử, để vận dụng những bài học lịch sử đối phó với thách thức, giải quyết những vấn đề của hiện tại, biết những gì nên làm và những điều nên tránh, tìm kiếm những giá trị chân lý của dân tộc một cách trung thực, những thứ trường tồn của thời gian. Qua đó, soi sáng cho những bước đi đúng đắn, vững chắc vào những trang lịch sử mà thế hệ con cháu sẽ kế tục viết nên sau này”.
Lịch sử là những sự thật diễn ra trong quá khứ. Nghiên cứu và giáo dục lịch sử có mục đích tối thượng là truyền cảm hứng yêu lịch sử, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi người dân Việt Nam. Hiểu sâu sắc lịch sử dân tộc có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bác Hồ đã dạy: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Trọng trách cao cả này nằm trên vai các nhà nghiên cứu sử học, ngành Giáo dục và toàn xã hội. Trong đó, các nhà sử học phải luôn là những nhà khoa học chân chính, lấy khách quan của lịch sử làm chân lý, nắm bắt các giá trị của lịch sử và xu hướng thời đại, bảo vệ lẽ phải, không chỉ là người viết sử mà còn ghi dấu ấn vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước hôm nay.
Song song, cần chú trọng bồi dưỡng và phát triển đội ngũ sử học kế cận, tiếp nối xứng đáng những sử gia tiền bối; tôn vinh những nhà khoa học nghiên cứu lịch sử có nhiều cống hiến, có thêm nhiều giải thưởng về sử học nhằm khuyến khích tinh thần nghiên cứu, giảng dạy, học tập và nhân lên tình yêu với sử học trong nhà trường và xã hội.
Sự biện chứng của phát triển không tách rời giữa quá khứ, hiện tại với tương lai. Chúng ta chỉ có thể hiểu rõ hiện tại, định hướng đúng tương lai nếu nắm chắc được quá khứ. Do đó, việc nghiên cứu, giáo dục lịch sử để gìn giữ và tôn vinh các giá trị mà ông cha đã để lại chính là trách nhiệm của thế hệ hôm nay với quá khứ, lịch sử, tổ tiên; là trách nhiệm cho hiện tại và soi sáng đường đến tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.