Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chương trình nghệ thuật “Người đi dép cao su”: Bài diễn ca lịch sử dân tộc

Yên Nga| 24/04/2023 23:33

(HNMO) - Tối 24-4, phần đầu vở kịch của tác giả Kateb Yacine “Người đi dép cao su” - cuộc trình diễn lịch sử đấu tranh của dân tộc bằng nghệ thuật sân khấu, đã công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

"Người đi dép cao su" ca ngợi đất nước, con người Việt Nam; ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. 

Đây là chương trình nghệ thuật hợp tác giữa Nhà hát Kịch Việt Nam và Đại sứ quán Algeria tại Việt Nam, nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Algeria (1962-2022).

Phát biểu tại buổi công diễn, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam bày tỏ tự hào khi đơn vị lần đầu tiên dàn dựng vở kịch “Người đi dép cao su” tại Việt Nam, qua đó, đóng góp tăng thêm tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Algeria.

Chương trình nghệ thuật “Người đi dép cao su” được dàn dựng với ê kíp tài năng, gồm Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Lê Mạnh Hùng đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Doãn Bằng họa sĩ thiết kế sân khấu, Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Lâm Tùng chọn nhạc, Nghệ sĩ nhân dân Kiều Lê biên đạo múa và toàn bộ diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam góp mặt, đã giới thiệu hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh với góc nhìn đầy sáng tạo.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông chúc mừng Nhà hát Kịch Việt Nam và Đại sứ quán Algeria tại Việt Nam đã hợp tác thực hiện chương trình.

Vở kịch “Người đi dép cao su” của tác giả Kateb Yacine (1929-1989) - nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Algeria. Năm 1967, tác giả Kateb Yacine đến Việt Nam. Ông đã viết vở kịch thơ “Người đi dép cao su” từ tình yêu, lòng kính trọng với dân tộc Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với sự đồng cảm sâu sắc của người đứng cùng hàng ngũ với các dân tộc thuộc địa, bị áp bức, tác giả Kateb Yacine đã khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, trước hết và chủ yếu ở góc độ một con người của đời thường, bình dị mà lớn lao. Cùng với đó, tác phẩm “Người đi dép cao su” còn phản ánh những phẩm chất cao quý, tinh thần quật cường của một dân tộc dám đứng lên đấu tranh giành tự do, độc lập qua suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. 

Hình tượng Hai Bà Trưng trong chương trình nghệ thuật.

Kịch bản “Người đi dép cao su” dài 304 trang, với 1.800 câu thoại, hàng trăm nhân vật có tên và không tên. Kịch bản có vấn đề lịch sử, nhưng không phải là vở kịch lịch sử; có vấn đề chính trị, nhưng không phải là vở kịch chính luận. Là kịch nhưng không có xung đột giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với hoàn cảnh không còn là động lực chủ yếu thúc đẩy hành động kịch phát triển. Kịch không có thắt nút, mở nút, không bị khuôn vào khung nghệ thuật quy ước về không gian và thời gian; là kịch thơ mà không phải thơ, lời thoại của các nhân vật thực chất là văn xuôi, nhưng lại được ngắt ra thành dòng thơ, không vần nhưng có nhịp điệu. Nói chung, đây là một kịch bản không theo quy tắc kịch truyền thống.

Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chương trình.

Đạo diễn Lê Mạnh Hùng nhận định, để tổ chức dàn dựng đầy đủ vở kịch rất khó khăn, vì vậy đạo diễn đã chọn lựa, biên tập mạch chính tác giả viết về Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh để thể hiện. Trong đó, chương trình nghệ thuật vẫn giữ nguyên không gian kịch đồ sộ, là một cuộc trình diễn lịch sử đấu tranh của dân tộc bằng nghệ thuật sân khấu, từ thời Hai Bà Trưng, Bà Triệu đến thời đại Hồ Chí Minh. 

Đặc biệt, đạo diễn và ê kíp sáng tạo đã tìm cách hóa giải kịch bản trên sân khấu bằng phong cách đặc biệt mới lạ. Trong đó, đạo diễn sử dụng cả hình thức kịch cổ điển châu Âu và hình thức sân khấu truyền thống Việt Nam với tính ước lệ cao. Chỉ trong khoảng 60 phút, chương trình nghệ thuật đã đưa khán giả bước vào những trang sử vàng của dân tộc trong các cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, với điểm nhấn là hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bình dị, ấm áp mà cao cả, lớn lao. Kết cấu chặt chẽ, sân khấu giàu sức gợi, âm nhạc biểu trưng cho từng thời kỳ, đặc biệt là sự hóa thân thành công của nghệ sĩ Minh Hải trong hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Người đi dép cao su” hấp dẫn từ đầu đến cuối.

Chương trình nghệ thuật huy động toàn bộ diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Sau đêm công diễn, vào ngày 19-5, nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chương trình nghệ thuật “Người đi dép cao su” sẽ biểu diễn tại Nhà hát Kịch Việt Nam. Dự kiến, chương trình sẽ được đưa đến nhiều địa phương trên cả nước, đồng thời mong muốn lưu diễn tại Algeria và nhiều quốc gia trên thế giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chương trình nghệ thuật “Người đi dép cao su”: Bài diễn ca lịch sử dân tộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.