(HNMO) - Chiều 2-8, theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 2.017 ca Covid-19, trong đó có 2.000 ca trong nước và 17 ca nhập cảnh. Đây là số ca mắc cao nhất trong gần 3 tháng qua. Ngoài ra, trong 24 giờ qua, nước ta có thêm 1 ca Covid-19 tử vong tại Bình Thuận.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.783.026 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.745 ca nhiễm).
Về tình hình điều trị, có thêm 9.668 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 9.932.712. Ngoài ra, hiện có 39 bệnh nhân đang thở ô xy, trong đó có 34 ca thở ô xy qua mặt nạ, 2 ca thở ô xy dòng cao HFNC và 3 ca thở máy xâm lấn.
Về số bệnh nhân tử vong, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 1 ca tử vong tại Bình Thuận.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.094 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Sáng 2-8, tại hội nghị trực tuyến tiến độ tiêm chủng vắc xin Covid-19 và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tại điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố, theo đánh giá của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ cuối tháng 3-2022 đến nay, dịch Covid-19 có xu hướng giảm mạnh và hiện vẫn cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, nước ta đã phát hiện biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron. Do đó, số ca mắc mới Covid-19 trong tuần vừa qua tăng 48% so với tuần trước đó. Dự báo, số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, chiến lược tiêm vắc xin phòng Covid-19 vẫn hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi liên tục xuất hiện các biến chủng mới.
Tuy nhiên, ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ trung ương cho rằng, tỷ lệ tiêm nhắc mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên chưa đạt yêu cầu, tốc độ tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi chậm. Tính đến ngày 1-8, nhóm từ 18 tuổi trở lên được tiêm nhắc lần một (mũi 3) đạt hơn 72%, tiêm nhắc lần hai (mũi 4) đạt hơn 50%; hơn 34% nhóm từ 12 đến 17 tuổi đã tiêm nhắc.
Theo ông Đặng Đức Anh, nguyên nhân dẫn đến tốc độ tiêm chủng chậm là hiện nay, hoạt động sản xuất, làm việc trở lại bình thường, việc tổ chức tiêm chủng trong thời gian làm việc gặp khó khăn. Thêm vào đó, trẻ đang nghỉ hè, chuyển cấp nên việc tổ chức tiêm chủng tại trường, tại trạm y tế cũng gặp khó khăn. Tỷ lệ di biến động dân cư lớn sau đợt dịch tại nhiều địa phương cũng ảnh hưởng đến công tác tiêm chủng.
“Thực tế cũng cho thấy, người dân chủ quan trong bối cảnh dịch được khống chế, nhiều người đã mắc Covid-19 nên không đồng ý hoặc lưỡng lự tiêm các mũi vắc xin tiếp theo. Thậm chí, nhiều cha mẹ không đồng ý cho con tiêm nhắc lại do lo ngại ảnh hưởng lâu dài của vắc xin đến sức khỏe của trẻ”, ông Đặng Đức Anh nói.
Tính đến ngày 31-7, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 253 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 các loại, phân bổ 249 triệu liều cho các địa phương tiến hành tiêm chủng, còn 3,7 triệu liều chưa phân bổ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.