(HNMO) – Sau 50 năm viết nên câu chuyện thành công phi thường về sự phát triển kinh tế, liệu 50 năm tới, Singapore có tiếp tục thành công?
Trong thời điểm kỷ niệm 50 năm ngày quốc khánh, người dân Singapore có nhiều điều để tự hào.
Singapore giờ đây là trung tâm tài chính lớn thứ tư toàn cầu, sở hữu một trong những cảng vận chuyển hàng hóa sôi động nhất thế giới và là quốc gia Châu Á duy nhất được xếp hạng tín dụng AAA bởi cả 3 tổ chức xếp hạng uy tín thế giới bao gồm Standard & Poor's, Moody's và Fitch Ratings.
Pháo hoa trên bầu trời Singapore trong ngày Quốc khánh 9.8 |
Chỉ trong vòng nửa thế kỷ, người Singapore đã trở thành những người giàu có nhất trên thế giới, với số lượng triệu phú bình quân đầu người đông nhất châu Á.
Singapore cũng được bình chọn là nơi đáng sống nhất trên thế giới, là đất nước xanh nhất ở châu Á dù mật độ dân số khá đông, 5,5 triệu người chung sống trong diện tích chỉ 750 km2.
Tuy nhiên, theo CNN, với sự ra đi hồi đầu năm nay của Thủ tướng lập quốc Lý Quang Diệu, người dẫn dắt Singapore tới thành công kinh tế, chắc chắn nửa thế kỷ tới, Singapore sẽ chứng kiến nhiều thay đổi về kinh tế và chính trị.
Nhiều người đặt câu hỏi, liệu những thay đổi này lớn đến mức nào?
Những thách thức về kinh tế
Theo ông Daniel Martin, nhà kinh tế học tại Capital Economics, ngay tại thời điểm này, những thay đổi trong nền kinh tế Singapore đang diễn ra.
GDP năm ngoái của Singapore tăng trưởng 2,9%. Mức trung bình của suốt 50 năm qua là 7,5%. Vì thế, có thể thấy là tăng trưởng kinh tế đang chậm lại.
Singapore đang đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế. |
Trong 50 năm qua, dân số Singapore đã gia tăng nhanh chóng nhờ nhập cư và một bộ phận lớn người dân nhập cư có trình độ tay nghề cao.
Tuy nhiên, trong tương lai, liệu Singapore có còn tiếp tục là “con hổ” châu Á hay không, nếu nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 2,5-3% giống như các nền kinh tế phát triển khác?
Thách thức đặt ra đó là, với tốc độ tăng trưởng kinh tế như vậy, người dân Singapore có thể sẽ nhận thấy mức sống không còn gia tăng nhanh chóng như trước nữa.
Thay đổi về chính trị
Ông Rahul Sagar, Phó giáo sư tại trường Đại học Yale-NUS, trường Chính sách công Lý Quang Diệu, đồng thời là tác giả cuốn sách “Tư tưởng lớn của Lý Quang Diệu” nhận định, những thay đổi về chính trị là điều vẫn thường diễn ra tại Singapore.
Quốc gia này thường xuyên thay đổi các chính sách, với nhiều sáng kiến mới nhằm thích nghi với một thế giới luôn biến động.
Hệ thống lãnh đạo chính trị của Singapore thường xuyên được thổi những luồng gió mới với những người lãnh đạo đầy tài năng và hiệu quả.
Lực lượng lãnh đạo này đã tạo ra những thay đổi khiến Singapore trở nên hoàn toàn khác biệt so với thời kỳ những năm 1970. Singapore ngày nay tự do hơn, nới lỏng hơn và mang tính quốc tế hơn.
“Hãy làm những gì hiệu quả”, đó là phương châm của Lý Quang Diệu.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. |
Cầu nối Đông – Tây
Kể cả khi là một quốc gia phát triển, Singapore vẫn tiếp tục tạo ra những lợi ích cạnh tranh cho doanh nghiệp mà ít quốc gia nào trong khu vực có thể sánh được. Những lợi ích này bao gồm mức thuế doanh nghiệp thấp, cơ sở hạ tầng tốt và tính minh bạch cao.
Đó là lý do khiến nhiều người tin tưởng rằng, trong tương lai, Singapore vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc làm chiếc cầu nối giữa các quốc gia và nền văn hóa Đông – Tây.
Singapore được xem là chiếc cầu nối tuyệt vời giữa phương Tây và Trung Quốc, nhờ mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh trong suốt hơn 30 năm qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.