Ngày 24-4, SCMP dẫn kết quả nghiên cứu mới cho thấy, hầu hết người lao động sinh sau năm 1990 tại Singapore đều cho biết sẵn sàng nghỉ việc nếu công việc yêu cầu họ thường xuyên có mặt tại văn phòng.
Nghiên cứu do Randstad tiến hành từ cuối năm ngoái tới nay với các đối tượng khảo sát từ 18 đến 67 tuổi, đã cho thấy 49% số người lao động Singapore được hỏi cho biết họ sẽ rời bỏ công việc đang làm nếu bị yêu cầu có mặt tại văn phòng thường xuyên hơn.
Ý tưởng này phổ biến hơn đối với giới trẻ, khi có tới 70% người thuộc Gen Z (sinh sau năm 1990) đồng ý với quan điểm trên. Hầu hết nhân viên Gen Z cũng cho biết, sẽ không làm việc cho doanh nghiệp không cung cấp đủ giờ làm việc linh hoạt (68%) hay địa điểm làm việc linh hoạt (61%). Có 42% số người được hỏi khẳng định không chấp nhận một công việc gò bó, 26% cho biết đã từng nghỉ việc vì điều này.
Một yếu tố đáng chú ý khác được phát hiện từ kết quả khảo sát là có tới 95% người được hỏi chọn ưu tiên sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống hơn là tiền lương, ngay cả khi lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao tiếp tục là mối quan tâm.
Môi trường làm việc linh hoạt đã trở thành vấn đề nóng tại Singapore sau khi chính phủ nước này yêu cầu tất cả các thực thể sử dụng lao động phải thiết lập quy trình cho phép người lao động đưa ra yêu cầu chính thức về sắp xếp công việc linh hoạt. Từ ngày 1-12-2024, người lao động tại Singapore sẽ có quyền yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp cho phép tuần làm việc 4 ngày, tăng số ngày làm việc tại nhà, kèm thời gian làm việc so le.
Chính phủ Singapore cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải sắp xếp công việc linh hoạt nhằm ứng phó thị trường lao động ngày càng già hóa và bị thu hẹp. Quyết định này cũng được cho là phù hợp với xu hướng toàn cầu, ngày càng nới lỏng các quy định văn phòng để giữ chân nhân tài.
Ngoài các vấn đề về thời gian và địa điểm làm việc, có tới 37% người tham gia khảo sát của Randstad cho biết, sẽ không làm việc cho các đơn vị không thực hiện các bước chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Ngoài ra, 39% người được hỏi cho biết, không chấp nhận một công việc nếu người sử dụng lao động không thúc đẩy sự đa dạng và hòa nhập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.