(HNMO) - Sáng 15-6, Hội nghị lần thứ mười ba Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII tiếp tục làm việc và bế mạc vào trưa cùng ngày.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.
Dự hội nghị có đại diện một số cơ quan trung ương; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên; thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị; bí thư các quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội.
"Phải đi đến cùng về động cơ và thái độ"
Mở đầu ngày làm việc, các đại biểu thảo luận tại tổ cho ý kiến về các báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ và dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội.
Tại tổ 1, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến về dự thảo Chỉ thị nêu trên, trọng tâm là phải làm rõ được những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám nghĩ, dám làm; trên cơ sở đó có chế tài xử lý trách nhiệm cụ thể đối với tập thể, cá nhân; không để tình trạng cào bằng, người làm tốt cũng như người làm không tốt.
“Muốn nói gì thì nói, thông qua thực hiện Chỉ thị phải siết chặt được kỷ luật, kỷ cương, nâng cao được trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, công việc phải chạy, phải tốt, dân phải được nhờ thì mới thực chất, hiệu quả”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh; đồng thời cho rằng, cán bộ, công chức theo chức năng nhiệm vụ phải rõ chính kiến, phải rõ tinh thần phê bình và tự phê bình.
Đáng chú ý, theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên, Chỉ thị có ý nghĩa chỉ đạo chung, trên cơ sở đó, các cấp ủy tổ chức Đảng, đảng đoàn, sở, ban, ngành phải cụ thể hóa thành kế hoạch thực hiện, quy chế, quy trình công tác. Hiện nay, các quy trình, quy chế của các sở, ngành được UBND thành phố duyệt thì tốt, nhưng quy trình nội bộ trong các sở còn rất ít và hạn chế.
Đồng chí Phạm Quí Tiên cho rằng, để Chỉ thị thực hiện hiệu quả, phải gắn trách nhiệm cá nhân với việc thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, của đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; các kết luận thanh tra, kiểm toán, kiểm tra; giải quyết đơn thư... Đặc biệt, phải có cơ chế kiểm đếm kết quả công việc này thường xuyên làm căn cứ đánh giá cán bộ, công chức.
Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Nguyễn Phi Thường cho rằng, trước việc khó, nhiệm vụ phức tạp, cấp ủy cấp trên phải sẵn sàng lắng nghe, hậu thuẫn, bảo đảm để cán bộ cấp dưới yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên cho rằng, ngoài chỉ thị chung, có thể bổ sung phần phụ lục về những biểu hiện cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm; trong đó, làm rõ những biểu hiện cụ thể về đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai. Ngoài nội dung về xử lý trách nhiệm, chỉ thị cũng nên có thêm phần thứ hai là phát hiện, biểu dương những cách làm hay, những nhân tố mới.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải đề xuất Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố 9 nội dung để triển khai thực hiện Chỉ thị, trong đó ngoài việc hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, khắc phục chồng chéo, xây dựng quy trình, quy chế, phải tăng cường kiểm tra, giám sát, sớm "vỗ vai" nhắc nhở.
“Khi xử lý đánh giá cán bộ, phải đi đến cùng về động cơ và thái độ. Nếu cán bộ có động cơ, thái độ xấu thì xử lý đến cùng và ngược lại. Đây cũng chính là bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, tạo niềm tin cho cán bộ, công chức”, Phó Chủ tịch UBND thành phố nêu rõ.
Các đại biểu cũng thống nhất cao đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy sớm ban hành Chỉ thị, tạo động lực mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, qua đó phục vụ nhân dân tốt hơn, thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị đặt ra.
Giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 đã đạt 80%
Kết thúc phiên thảo luận tại tổ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã điều hành phiên giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận tại Tổ về các nội dung: Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại giữa nhiệm kỳ Đại hội XVII; định hướng nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ 2020-2025; Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công cấp thành phố năm 2023; Định hướng Kế hoạch đầu tư công năm 2024 của thành phố Hà Nội; Đánh giá tình hình giữa nhiệm kỳ và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cấp thành phố.
Thay mặt Ban Cán sự đảng UBND thành phố giải trình, tiếp thu các ý kiến đại biểu nêu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, đã có 87 lượt phát biểu với 174 ý kiến liên quan đến các nội dung nêu trên.
Các đại biểu đã nhất trí đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của thành phố, qua đó đã giúp kinh tế - xã hội của Thủ đô vững vàng vượt qua đại dịch Covid-19 và từng bước phục hồi; tạo nền tảng vững chắc để thực hiện những mục tiêu đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến việc khắc phục những khó khăn trong việc triển khai các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến hết nhiệm kỳ; khai thác hiệu quả tài nguyên nhân dân và chất xám, kết nối các chuyên gia, nhà khoa học, có cơ chế đặt hàng các nhà khoa học trong nước và quốc tế; xây dựng cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư xã hội cho các lĩnh vực dân sinh bức xúc; hoàn thiện cơ chế về đầu tư công; tiếp tục hoàn thiện cơ chế về phân cấp, ủy quyền.
Giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan đến dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Nguyễn Chí Cường cho biết, dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là một trong những dự án lớn, có thời gian giải phóng mặt bằng rất ngắn, chỉ trong vòng 1 năm. Song với sự vào cuộc đồng bộ của các địa phương, đơn vị, sự chỉ đạo sát sao của thành phố, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đã được triển khai khá hiệu quả, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân. Sau gần 9 tháng triển khai, công tác giải phóng mặt bằng đã đạt 80%.
Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Nguyễn Chí Cường, Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là dự án đầu tiên bóc tách công tác giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án, qua đó giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Từ kết quả triển khai trên thực tế, Ban Quản lý dự án đề nghị thành phố xem xét chủ trương cho phép bóc tách công tác giải phóng mặt bằng khỏi các dự án lớn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Chí Cường cũng cho biết, đến nay, công tác lựa chọn nhà thầu để triển khai dự án đã cơ bản hoàn thành và đang xin ý kiến UBND thành phố, trình Thường trực Thành ủy xem xét, quyết định. Dự kiến thời gian khởi công đồng loạt 4 gói thầu phục vụ dự án vào ngày 25-6 tới đây.
Lượng hóa biểu hiện đùn đẩy, né tránh gắn với chế tài cụ thể
Tiếp đó, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo đã báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến đại biểu về 3 nội dung, gồm: Báo cáo về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, Báo cáo sơ kết 2 năm thí điểm mô hình chính quyền đô thị và Dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội.
Theo đó, có 135 ý kiến góp ý vào 3 nội dung trên. Các ý kiến đều đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của Ban Thường vụ Thành ủy về các nội dung.
Đối với dự thảo báo cáo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, có 74 ý kiến trao đổi. Trong đó, các ý kiến đề nghị cần làm rõ bối cảnh khó khăn hơn dự báo; việc đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và sự đóng góp của nhân dân. Các ý kiến đặc biệt đánh giá cao việc đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, đổi mới phong cách quản lý, điều hành. Các đại biểu nêu các kiến nghị cụ thể về công tác luân chuyển cán bộ, việc khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu 50% bí thư, chủ tịch UBND xã không phải người địa phương.
Về Báo cáo sơ kết 2 năm thí điểm mô hình chính quyền đô thị, có 17 ý kiến phát biểu thảo luận. Các đại biểu cơ bản đồng tình với dự thảo báo cáo; đồng thời tập trung phân tích, làm rõ kết quả; đề nghị bổ sung thêm biên chế của vị trí trí công chức văn phòng cấp ủy; tổ chức thi tuyển công chức phường, xã, thị trấn; tháo gỡ khó khăn về thủ tục luân chuyển cán bộ, công chức từ quận xuống phường, từ phường lên quận; tăng biên chế công chức cho các phường đông dân cư... “Ban Thường vụ Thành ủy tiếp thu đầy đủ để xem xét giải quyết cụ thể và báo cáo các cơ quan trung ương để giải quyết những vấn đề này”, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy nêu rõ.
Có 44 ý kiến phát biểu thảo luận về Dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội. Các ý kiến thống nhất cao sự cần thiết và thời điểm ban hành Chỉ thị; đồng thời nêu các góp ý cụ thể về hình thức, nội dung Chỉ thị. Các ý kiến cho rằng, Chỉ thị không chỉ mang tính hiệu triệu mà còn phải gắn với chế tài cụ thể, nghiêm minh; đặc biệt cần lượng hóa gắn với những biểu hiện cụ thể về đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức để xử lý.
Tiếp đó, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến trình bày dự thảo Nghị quyết Hội nghị và điều hành Hội nghị biểu quyết thông qua Nghị quyết. 100% các đại biểu có mặt tại hội nghị đã nhất trí thông qua Nghị quyết hội nghị lần thứ mười ba, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố.
Phát huy cao độ trách nhiệm người đứng đầu, vai trò tiền phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên
Phát biểu kết luận và bế mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, sau 1,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nghị lần thứ mười ba, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.
Các đồng chí Thành ủy viên và các đại biểu dự hội nghị đã phát huy dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, trí tuệ, tâm huyết vào các Tờ trình, Báo cáo và dự thảo Chỉ thị do Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Cán sự đảng UBND thành phố trình Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố.
Qua tổng hợp, đã có 87 lượt phát biểu với 174 ý kiến vào các nội dung trình tại hội nghị. Các ý kiến đều rất tâm huyết, trách nhiệm và đánh giá cao công tác chuẩn bị nghiêm túc, có chất lượng của Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Cán sự đảng UBND thành phố; có nhiều ý kiến sâu sắc, gắn với thực tiễn sinh động, thể hiện được tầm tư duy sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, tâm huyết đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Các ý kiến đều cơ bản đồng tình và nhất trí cao với các nội dung trình tại kỳ họp; đồng thời, đã tập trung, thảo luận, phân tích, làm rõ thêm các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp cho sự phát triển bền vững của Thủ đô trong giai đoạn tới.
Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã có báo cáo tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của các đồng chí Thành ủy viên và các đại biểu dự hội nghị. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của hội nghị và giao Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố, các Ban xây dựng Đảng và Văn phòng Thành ủy tiếp tục hoàn thiện các văn bản, trình cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua theo quy định.
Để thống nhất về nhận thức và ý chí trong hành động, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Thành ủy đã nhấn mạnh thêm một số vấn đề lớn, quan trọng và khái quát lại những kết quả chủ yếu của hội nghị. Đồng chí khẳng định, những kết quả toàn diện đã đạt được trong thời gian qua là động lực tiếp tục cổ vũ, động viên to lớn cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang và cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô tiếp tục vững tin và phấn khởi tiếp bước trên con đường của mình trong thời gian tới.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng đề nghị mỗi đồng chí Thành ủy viên, đồng chí thủ trưởng các cơ quan, đơn vị của thành phố cần tiếp tục phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô; phát huy cao độ trách nhiệm người đứng đầu, vai trò tiền phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên; tập hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực, phấn đấu hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu, khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Trên cơ sở Nghị quyết và Kết luận của hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tin tưởng, với truyền thống đoàn kết, thống nhất, trách nhiệm, bản lĩnh và sáng tạo, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy và cả hệ thống chính trị của thành phố sẽ tập trung cao độ, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ chính trị của thành phố từ nay đến hết nhiệm kỳ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.