Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vận hành mô hình chính quyền đô thị tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Đình Hiệp - Ảnh: Viết Thành| 14/06/2023 09:48

(HNMO) - Tiếp tục chương trình Hội nghị lần thứ mười ba, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (khóa XVII) diễn ra sáng 14-6, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến trình bày Tờ trình lấy ý kiến đại biểu về dự thảo Báo cáo sơ kết 2 năm thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Báo cáo nhấn mạnh, vận hành mô hình chính quyền đô thị đã tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Quang cảnh Hội nghị lần thứ mười ba, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII.

Số công chức phường là 2.349 người

Thực hiện Kết luận số 46-KL/TƯ ngày 19-4-2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội và Nghị định 32/2021/NĐ- CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, từ ngày 1-7-2021, thành phố Hà Nội chính thức tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại 175 phường, thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây.

Qua 2 năm thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, thành phố Hà Nội bước đầu đạt những kết quả tích cực. Các nội dung thí điểm được triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, cơ bản bảo đảm các mục tiêu, mục đích, tiến độ đề ra; tạo sự chuyển biến rõ rệt, có bước đột phá trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trình bày báo cáo tại hội nghị.

Cụ thể, việc vận hành mô hình chính quyền đô thị mang lại sự hài lòng cho người dân khi tới làm thủ tục hành chính thông qua việc ủy quyền chứng thực. Các địa phương cơ bản hoàn thành rà soát, sắp xếp, kiện toàn bộ máy, ban hành và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, vận hành bộ máy bình thường, chưa phát sinh khó khăn, vướng mắc lớn. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác cán bộ tại các phường đã bảo đảm phù hợp với vị trí việc làm, năng lực chuyên môn.

Công tác sắp xếp, bố trí công tác và giải quyết các chế độ, chính sách đối với chủ tịch, phó chủ tịch HĐND phường sau sắp xếp, kiện toàn được thực hiện đúng quy định; không có đơn thư khiếu nại, tố cáo. Tổ chức bộ máy chính quyền tại phường tinh gọn, nhưng vẫn bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tổ chức bộ máy chính quyền trong khu vực các quận đã gọn nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn.

Phương thức hoạt động của UBND thay đổi theo hướng tích cực, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiệu quả hoạt động của bộ máy được nâng lên. Việc thay đổi phương thức hoạt động từ chế độ tập thể sang chế độ thủ trưởng đã tạo điều kiện cho chủ tịch UBND phường chủ động hơn trong điều hành, giải quyết công việc nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Công tác kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, đặc biệt là sắp xếp nhân sự lãnh đạo HĐND các cấp là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách để vận hành tổ chức bộ máy của HĐND các cấp trong điều kiện thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TU ngày 10-9-2020 lãnh đạo, chỉ đạo rất thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong đó, HĐND thành phố gồm 94 đại biểu (đầu nhiệm kỳ 95 đại biểu); đại biểu HĐND quận, huyện, thị xã gồm 1.021 đại biểu (đầu nhiệm kỳ gồm 1.052 đại biểu); đại biểu HĐND 404 xã, thị trấn gồm 10.365 đại biểu (đầu nhiệm kỳ gồm 10.564 đại biểu); không tổ chức HĐND phường.

Trước thời điểm ngày 1-7-2021, khi chưa thực hiện thí điểm chính quyền đô thị, số lượng cán bộ, công chức phường là 2.704 người. Đến ngày 1-7-2021, các quận và thị xã Sơn Tây đã hoàn thành công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tại 175/175 phường: Bổ nhiệm 173 chủ tịch UBND phường, 335 phó chủ tịch UBND phường, chuyển 1.944 công chức phường sang công chức thuộc biên chế UBND quận, thị xã quản lý; bố trí sắp xếp các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐND phường do không tổ chức HĐND phường.

Trước khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, biên chế chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường và các chức danh công chức phường là biên chế cán bộ, công chức cấp xã, được quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, biên chế các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường và các chức danh công chức phường của 175 phường thuộc thành phố Hà Nội là 2.750 người. Khi thực hiện thí điểm chính quyền đô thị, chức danh chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường và các chức danh công chức phường được xác định thuộc biên chế cấp quận, không còn thuộc biên chế giao cán bộ, công chức cấp xã. 

Tính đến tháng 3-2023, số lượng công chức phường có mặt là 2.349 người, số lượng công chức phường còn thiếu so với biên chế giao là 276 người, trong đó thiếu 2 chủ tịch phường, 7 Phó Chủ tịch phường, 1 công chức chỉ huy trưởng quân sự và 266 công chức các chức danh khác...

Triển khai thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn và nguyên nhân. Cụ thể, khối lượng công việc của HĐND các quận, thị xã tăng lên nhiều khi vận hành mô hình chính quyền đô thị (tăng cường giám sát, tiếp xúc cử tri, đối thoại với nhân dân, tiếp công dân...) nhưng số lượng đại biểu HĐND quận, thị xã so với nhiệm kỳ trước giảm, số lượng Phó Chủ tịch HĐND chỉ còn 1 người. Bộ máy giúp việc HĐND quận, thị xã hiện nay còn chưa được bố trí đầy đủ, có nơi chưa được bố trí chuyên viên Văn phòng HĐND - UBND chuyên trách tham mưu, giúp việc cho Thường trực và các Ban HĐND (Sơn Tây); ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của HĐND quận, thị xã.

Với quy mô dân số trung bình của các phường thuộc các quận lớn, hơn 22.300 người (theo tiêu chuẩn là 15.000 người), trong đó 41 phường có quy mô dân số hơn 30.000 người, khối lượng công việc tại các phường là rất lớn, gây áp lực đối với nhiệm vụ quản lý nhà nước của công chức phường. Số lượng biên chế công chức làm việc bình quân là 15 người/phường, về cơ bản bằng mức bình quân công chức cấp xã, chưa có cơ chế, chính sách đặc thù đối với các phường có quy mô dân số lớn.

Mặt khác, cán bộ, công chức phường ngoài nhiệm vụ theo chuyên môn được tuyển dụng, đều được giao thêm nhiệm vụ theo dõi, nắm bắt tình hình tại các tổ dân phố, trong khi chế độ, chính sách không có gì thay đổi.

Các đại biểu dự hội nghị.

Để tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức, bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liên thông, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển, quản lý của Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới, Thành ủy Hà Nội xác định, thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Trong đó, quyết liệt chỉ đạo các cơ quan liên quan của thành phố khẩn trương khắc phục hạn chế, tồn tại; tăng cường công tác nắm bắt, hướng dẫn của cấp trên đối với cấp dưới, kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra.

Thành phố cũng kiến nghị các cấp nghiên cứu, sửa đổi Luật Thủ đô theo hướng quy định mô hình chính quyền các cấp của Thủ đô Hà Nội giữ nguyên và ổn định như nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ (không tổ chức HĐND phường); đồng thời, bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội và tăng số lượng, tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vận hành mô hình chính quyền đô thị tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.